Con người đã quên đi chính mình như thế nào?
NGÀY XỬA NGÀY XƯA...
“Ngày xửa ngày xưa, thế giới của chúng ta vốn rất khác so với những gì chúng ta nhìn thấy nó ngày nay.” Người đàn ông da đỏ bắt đầu. “Con người thưa thớt hơn và chúng ta sống gần gũi hơn với đất đai. Con người biết ngôn ngữ của mưa, mùa màng và Đấng tạo hóa vĩ đại. Họ thậm chí biết cách nói chuyện với những vì sao và con người trên thiên giới. Họ nhận thức rằng cuộc sống rất thiêng liêng và xuất phát từ sự hôn phối giữa Mẹ Đất và Cha Trời. Vào thời đại này, mọi thứ đều cân bằng và ai ai cũng hạnh phúc.”
Tôi đã cảm thấy thứ gì đó rất đỗi cổ xưa ngập tràn trong tôi khi nghe thấy giọng nói an hòa của ông vang vọng từ những bức tường đá bao quanh. Đột nhiên, tiếng nói của ông thay đổi sang một tông giọng buồn.
“Rồi chuyện gì đó đã xảy ra,” ông nói. “Không ai thực sự biết lý do tại sao nhưng con người bắt đầu quên đi chính mình. Trong quá trình họ lãng quên, họ bắt đầu cảm thấy tách biệt - tách rời khỏi đất, tách rời lẫn nhau và thậm chí tách rời khỏi Đấng sáng tạo nên họ. Họ đã lạc lối và lang thang cả đời không phương hướng hay kết nối nào hết. Trong quá trình tách rời ấy, họ tin rằng họ phải chiến đấu để sinh tồn trong thế giới này và phòng vệ bản thân chống lại chính những sức mạnh đã trao cho họ sự sống mà trước đây họ đã học được cách chung sống hài hòa và tin tưởng. Chẳng bao lâu tất cả năng lượng của họ chỉ để dành cho việc bảo vệ bản thân họ khỏi thế giới bên ngoài thay vì hòa hợp với thế giới bên trong họ.”
Ngay lập tức, câu chuyện của người đàn ông này đã khiến tôi rúng động. Câu chuyện ông kể như thể ông đang mô tả về con người hiện đại ngày nay! Ngoại trừ một số ít những nền văn hóa biệt lập và những truyền thống xa xôi hẻo lánh còn sót lại, nền văn minh của chúng ta rõ ràng là hướng ra thế giới bên ngoài gấp nhiều lần hướng vào thế giới bên trong.
Chúng ta chi hàng trăm triệu đô la mỗi năm để bảo vệ bản thân khỏi bệnh tật và cố gắng kiểm soát tự nhiên. Trong quá trình làm vậy, chúng ta có lẽ đã rời xa khỏi trạng thái cân bằng với thế giới tự nhiên hơn bao giờ hết. Người gìn giữ sự thông thái đã thu hút sự chú ý của tôi - câu hỏi giờ đây là, mục đích câu chuyện của ông là gì?
Ông tiếp tục: “Ngay cả khi họ đã quên mất con người mình, đâu đó bên trong họ vẫn còn sót lại món quà mà tổ tiên họ đã để lại. Một ký ức vẫn còn đọng lại bên trong họ. Trong những
giấc mơ hằng đêm của mình, họ biết rằng họ có sức mạnh để chữa lành cơ thể, hô mưa gọi gió khi họ cần và trò chuyện với tổ tiên. Họ biết rằng bằng cách nào đó một lần nữa họ lại tìm ra chỗ đứng của họ trong tự nhiên.
Khi họ cố gắng nhớ lại mình là ai, họ bắt đầu xây dựng những thứ bên ngoài cơ thể để nhắc nhở họ về con người bên trong. Khi thời gian trôi đi, họ thậm chí xây dựng những cỗ máy để thực hiện công việc chữa lành cho họ, tạo ra các hóa chất để phát triển mùa màng và kéo dây dẫn để giao tiếp từ xa. Họ càng lang bạt ra khỏi sức mạnh bên trong, cuộc sống bên ngoài của họ càng trở nên rối ren với những thứ mà họ tin rằng sẽ khiến họ hạnh phúc.”
Trong lúc lắng nghe ông, tôi nhận ra những điểm tương đồng không thể chối cãi giữa những con người mà tôi đang nghe thấy trong câu chuyện và nền văn minh của chúng ta ngày nay. Nền văn minh của chúng ta đầy rẫy những cảm giác bất lực trong việc kiến tạo một thế giới tốt đẹp hơn hay tự chữa lành chính mình.
_Trích Ma Trận Thần Thánh