[danviet.vn] Đọc sách cùng bạn: "Rót một giọt Bùi Giáng"
Bùi Giáng mất đến nay đã đúng một phần tư thế kỷ (1998). Ba năm nữa sẽ là một thế kỷ ông sinh (1926). Nhưng ngay sinh thời Bùi Giáng đã là một hiện tượng "kỳ dị" cả trong đời trong chữ. Sau khi ông mất người đời vẫn nói nhiều về sự kỳ dị của ông. Cuốn sách này của Bửu Ý là thêm vào số nhiều đó một tiếng nói nữa. Nó có gì khác?
Khác trước hết là những kỷ niệm cá nhân của Bửu Ý với Bùi Giáng khi cả hai người ở gần nhau suốt gần 5 năm tại Sài Gòn những năm 1960. Cứ hễ người này đổi chỗ ở là người kia cũng đổi chỗ ở về gần, cứ như duyên trời xui vậy. Nhờ đó họ quen biết nhau, qua lại nhau, thành bạn của nhau và người thầy giáo xứ Huế có nhiều dịp được chứng kiến cuộc sống của một người văn lạ nhất trần đời quê Quảng Nam sống ở Sài Gòn, để bây giờ các kỷ niệm tích tụ theo thời gian hiện lên trang giấy. Đó là khi anh giáo lần đầu bước vào nơi ở của Bùi Giáng thấy đập vào mắt những tấm tranh treo tường gây chấn động dị thường vì lạ về đề tài, màu sắc. Đó là khi anh giáo được nhà thơ rủ về Thủ Đức thăm ông cụ thân sinh của nhà thơ, một chuyến đi chơi bỗng chốc vậy thôi. Đó là khi anh giáo tận mắt thấy hai cái rương đựng các tác phẩm của Bùi Giáng: "Lại gần nhìn kỹ, rương rất chắc chắn, bằng kim loại, và cả hai đều ken chặt bằng nhiều ống khoá mắc chéo vào nhau." (tr. 20). Đáng buồn là khi chỗ ở này của nhà thơ bị cháy, hai cái rương cũng cháy thành tro, hoả thiêu luôn nhiều cái viết cái dịch của ông. Những câu chuyện đời thường như vậy của Bùi Giáng được tác giả kể một cách xúc động, gần gũi trong sách. Nhờ Bửu Ý người đọc được biết thêm nhiều sự việc trong đời thực Bùi Giáng như thấy ông từ màn sương huyền thoại, giai thoại bước ra. Cũng nhờ Bửu Ý người đọc thêm một lần được bước vào thế giới thơ của Bùi Giáng.
Nhà giáo và dịch giả Bửu Ý đã đọc kỹ, đọc sâu vào thơ Bùi Giáng để lẩy ra những câu thơ đặc biệt, những bài thơ đặc biệt của "Trung niên thi sĩ", để tập hợp, phân tích những ý kiến của Bùi Giáng về thơ, những đánh giá, nhận xét của Bùi Giáng với thơ văn nước ngoài, Bùi Giáng với thơ văn trong nước, rồi nói về ngôn ngữ, tư tưởng của Bùi Giáng. Tác giả trích dẫn, trích lục nhiều, cả thơ của nhà thơ cả các nhận định của các nhà phê bình, bình luận, lại có cả bảng tài liệu tham khảo và bảng tên người ở cuối như sách khảo cứu, nên đọc sách này bạn đọc nào chưa quen chưa thuộc thơ Bùi Giáng lắm cũng có thể coi đây như một cuốn nhập môn về thơ ông, đúng như tên sách "Bùi Giáng một đời thơ".
Nói tới Bùi Giáng khó mà không nhắc tới cái sự điên của ông. Ông điên thực hay không điên? Hay ông giả điên? Bửu Ý đưa ra một cách nhìn của mình: "Điên hay không điên? Ta sẽ lần hồi giải mã vấn nạn này, nhưng trước hết, một cách hời hợt thô thiển, ta ý thức rằng thi sĩ của chúng ta hẳn phải cảm nhận một nỗi khó sống nặng ngàn cân gây ra bởi hai sự thể lớn lao trong đời: một là thiên hạ tràn đầy người đẹp dành cho những ai ai chứ không sẵn lòng đáp ứng sở nguyện, và hai là tai nạn hoả hoạn thiêu rụi tác phẩm của họ Bùi năm 1969" (tr. 62-63). Đi sâu hơn, Bửu Ý muốn lý giải cái điên của Bùi Giáng bằng một tâm trạng, một nguồn cơn nội tại mà tiếng Pháp gọi là fureur (sự phấn khích, sự nhiệt hứng). Chính trạng thái fureur gần với cơn điên đó, theo Bửu Ý, đã là động lực cho Bùi Giáng làm thơ.
Nói tới Bùi Giáng trong văn thơ của ông, cả viết và dịch, là nói tới ngôn ngữ. Bùi Giáng sử dụng từ ngữ tiếng Việt tinh tế, tinh nghịch, tinh quái, tinh tướng. Có những từ, những cách dùng chữ là của riêng Bùi Giáng. Ông phá vỡ, lắp ghép những tiếng quen thành lạ, tạo ra những chữ lạ thành quen, để vào thế giới thơ ông là vào vùng đặc ngữ của ông. Sáng tạo chữ như vậy trong thơ Việt có lẽ chỉ có Trần Dần và Bùi Giáng, cả hai ông đều sinh cùng năm (1926), và mất sau trước nhau một năm (1997, 1998). Cách tạo chữ của Trần Dần có ý thức nghiêm túc tạo nghĩa. Cách tạo chữ của Bùi Giáng có chủ ý vui đùa tạo âm.
Bửu Ý gọi Bùi Giáng là một "phù thuỷ ngôn ngữ". Sành tiếng Việt, giỏi mấy thứ tiếng ngoại quốc, ông vui chơi, đùa cợt với chữ nghĩa. "Những trò chơi này dễ say mê, dễ lún sâu, dễ đẻ ra đủ hình thái ma thuật mà người trong cuộc tự du mình vào, chứ chẳng muốn tìm cách chống trả. Biết bao nhiêu bận, qua chữ viết của anh, ta thấy anh nhào lộn, uốn dẻo, vặn vẹo, bẻ gãy, bẻ dấu, uốn giọng, giả giọng, co dãn câu, lắp ghép vần, cho câu của mình, cho thơ của mình, một cách có khí quá đà, nhưng vẫn tài tình, thông bác" (tr. 175). Từ sáng tạo ngôn ngữ của mình, Bùi Giáng đọc thơ người cũng rất chú trọng về ngôn ngữ. Trong thơ Việt Nam hiện đại ông đặt Quang Dũng ở một vị trí rất cao, hay như lời tác giả sách viết là "có những lời đặc biệt đậm đà đối với thi sĩ này". Bửu Ý đã trích dẫn đoạn viết sau của Bùi Giáng về Quang Dũng: "Thi ca hiện đại hay thi ca ngàn đời, thi ca Việt Nam hay thi ca thế giới – vâng – cũng chỉ riêng một Quang Dũng thôi. Đó là chỗ sơn cùng thuỷ tận của ngôn ngữ. Ngôn ngữ thần tiên hiển hiện tinh thể một cách không thấy hình hài máu me đâu cả. Người ta đã bao đời đi tìm cõi huyền nhiệm của ngôn ngữ thơ. Mỗi phen trở về, mỗi phen như bó tay lắc đầu, tuyệt nhiên không biết ăn nói ra sao cả. Đành chỉ nói quanh co" (tr. 171).
(Ở đây xin có một đính chính. Trong sách Bửu Ý có dẫn lại bài thơ mang tên "Kẻ ở" của Quang Dũng được Bùi Giáng thích và phân tích. Bài thơ này chính thực không phải của Quang Dũng nhưng một thời gian dài đã bị nhầm sang tác giả "Tây tiến". Bùi Giáng cũng bị nhầm như vậy. Năm 1989 đã có một cuộc trao đổi trên báo "Văn Nghệ" đi đến kết luận cuối cùng xác nhận bài thơ này có tên "Dặm về" và tác giả là Nguyễn Đình Tiên. Vì vậy có thể ở sách này nên có một chú thích rõ về việc đó để tránh cho độc giả khỏi lẫn lộn lâu nay).
Sau khi dẫn đưa người đọc làm cuộc du hành lướt qua cuộc đời và thơ Bùi Giáng cùng mình, Bửu Ý đã dành cho nhà thơ yêu mến của mình những dòng sáng láng: "Cuộc đời vô vị đến đâu, bất công đến đâu, buồn bã đến đâu, đen tối đến đâu, nếu ta rót vào đó một giọt Bùi Giáng, hương sẽ lừng, hoa sẽ dậy, ánh sáng reo ca. Suốt lịch sử nhân loại Đông Tây kim cổ, không có một con người nào cúc cung tận tuỵ với Thơ như Bùi Giáng. Không vợ, không con, không nhà cửa. Chỉ có thơ. […] Ngày xưa có những người chết vì đạo, sẵn sàng chết vì lý tưởng đạo giáo. Nay có Bùi Giáng suốt đời sống vì thơ và chết vì thơ. Một nhà văn hiến thực thụ" (tr. 230).
Hẹn bạn lần tới với những cuốn sách mới khác.
Hà Nội, 19/4/2023
Nguồn: https://danviet.vn/doc-sach-cung-ban-rot-mot-giot-bui-giang-20230419150150168.htm