Giao hàng toàn quốc

Đồng giá phí 22.000 vnđ

Đổi trả miễn phí!

Trong vòng 3 ngày

Tư vấn miễn phí!

Cho tất cả các sản phẩm

Đìu hiu nhà sách, người trẻ đọc gì?

Nhà sách, phố sách vắng bóng người

Đường Láng, con phố nổi tiếng một thời của Hà Nội về sách. Hình ảnh những cửa hàng sách chật ních người, đặc biệt sinh viên đến mua sách về đọc là nét văn hóa của đất Hà thành. Nhưng đó là câu chuyện của 10 năm về trước. Khi thói quen đọc sách vẫn được duy trì ở các bạn trẻ, sinh viên, học sinh. Nhiều hộ kinh doanh sách tại phố Láng đã ăn nên làm ra nhờ bán sách.

 

 

Phố nay vẫn bán sách, nhưng không chỉ sách để đọc, mà phải kinh doanh sách giáo khoa, tiểu thuyết, truyện tranh… kèm thêm văn phòng phẩm, trà đá để duy trì công việc kinh doanh. Mở cửa từ 8h sáng đến 22h mỗi ngày, các cửa hàng trên con phố này cũng chỉ có lác đác vài người đến mua sách.

Dọc cả một tuyến đường dài, mỏi mắt lắm mới tìm thấy lác đác vài hàng sách cũ vắng hoe. Hình bóng các nhà sách cũ cứ dần trở thành quá vãng, một mặt áp lực cạnh tranh với các nhà sách to đẹp mở ra với nhiều dịch vụ mua sắm đi kèm, mặt khác là sự ế ẩm, vắng khách.

Phố Sách Hà Nội (phố 19/12) cũng đang trong tình cảnh “đìu hiu, vắng vẻ” dù mới đi vào hoạt động được gần 2 năm. Khai trương từ tháng 5/2017, được kỳ vọng là địa chỉ văn hóa hấp dẫn, góp phần nâng cao văn hóa đọc của Thủ đô Hà Nội. Tuy nhiên, thực tế phố sách đang rơi vào cảnh “vắng như chùa Bà Đanh”.

Được thiết kế đẹp mắt, tạo nhiều không gian để vừa đọc sách vừa chụp ảnh. Thường xuyên được tổ chức các buổi ra mắt sách, offline, giao lưu tác giả với độc giả cũng không đủ sức hấp dẫn níu chân các bạn trẻ. Chỉ sau thời gian ngắn, đến nay, phố sách Hà Nội lại trở nên thưa thớt người qua lại, lác đác vài bạn trẻ đến mua sách hoặc chụp ảnh.

Nhà sách “độn” khu vui chơi, siêu thị

 

Theo nhân viên bán hàng tại quầy sách trên phố, thời gian đầu lượng khách tới tương đối đông nhưng gần đây ngày càng vắng dần. Các ngày trong tuần ế ẩm, vắng vẻ chỉ lác đác vài người. Ngày cuối tuần, khách tuy đông hơn nhưng chủ yếu đên tham quan, chụp hình. Các bạn trẻ rất ít đến mua sách, chủ yếu là tìm chỗ chụp hình đẹp hoặc ngồi nghỉ ngơi, trò chuyện là chính.

Có mặt tại nhà sách Tiến Thọ trên đường Xuân Thủy- một nhà sách nổi tiếng và hoạt động kinh doanh khá tốt vài năm nay. Khu vực các kệ sách tầng 1 vắng bóng người, còn các khu vực vui chơi trẻ em tầng 3 lúc nào cũng chật kín.

Dù là nhà sách, nhưng tại đây bán đủ các mặt hàng: quần áo, giày dép, mỹ phẩm, đồ ăn nhanh. Tất cả mọi thứ đều có thể mua tại nhà sách như một siêu thị thu nhỏ bày bán đủ các mặt hàng. Nhưng có nghịch lý, nhà sách nhưng sách lại ít được quan tâm hơn các dịch vụ vui chơi giải trí, mua sắm khác.

Người trẻ đọc gì?

Việc phố Sách được xây dựng với mục đích lan tỏa văn hóa đọc tới cộng đồng là điều đáng làm, đặc biệt đối tượng các bạn trẻ. Tại các quầy sách, đều được trang trí rất đẹp mắt để thu hút các bạn thanh niên tới vừa đọc sách vừa mua sản phẩm. Tuy nhiên, có thực tế đáng buồn, không ít người trẻ đến đây chỉ để check - in, chụp ảnh, tán gẫu với bạn bè chứ ít ai chọn sách. Sách là lựa chọn thứ yếu khi các mục đích vui chơi, tham quan, giải trí được ưu tiên nhiều hơn.

Nắm bắt được sở thích “check - in” của giới trẻ, nhiều nhà sách cũng chuyển mình để phục vụ đối tượng khách hàng đông đảo này. Tại Nhà sách Cá Chép trên phố Nguyễn Thái Học, dù mới hoạt động nhưng thu hút đông đảo các bạn học sinh, sinh viên tới đây mỗi ngày. Không khó để tìm một góc “sống ảo” tại nhà sách này và cộng đồng mạng truyền tai nhau hàng ngày về một nhà sách “view cực đẹp” chứ ít bàn về chuyện bán sách hay chọn sách.

Trong Hội sách TP Hồ Chí Minh vào tháng 10 năm 2018, một con số kỉ lục về doanh thu được thông báo: trong vòng 7 ngày thu về 60 tỉ đồng, khoảng 1 triệu lượt khách. Giữa những con số khả quan ấy vẫn là nỗi băn khoăn lớn: Người trẻ nay đang đọc gì? Nhìn những hàng dài các bạn sinh viên, học sinh hăm hở đến mỗi kỳ học sách, nhiều cũng mừng lòng rằng đó là hình ảnh đẹp của văn hóa đọc trong giới trẻ. Tuy vậy, khi nhìn vào Top những cuốn sách bán chạy nhất của Hội sách lại khiến không ít người trăn trở.

“Khéo ăn nói sẽ có được thiên hạ”- Trác Nhã, “Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu” - Rosie Nguyễn, “Có một ai đó đã đổi thay” - Hamlet Trương và Du Phong, “Hôm nay người ta nói chia tay” - Iris Cao và “Trên đường băng” - Tony buổi sáng là những cuốn sách “chạy hàng nhất” hội sách. Có thể thấy, bên cạnh những cuốn sách kỹ năng sống, bán hàng, kinh doanh thì ngôn tình, tiểu thuyết, tản văn tình cảm vẫn là sự lựa chọn số 1 của người trẻ.

 

Người trẻ lựa chọn sách ngôn tình, giải trí

 

Những cuốn sách đậm chất ngôn tình, những câu chuyện về “cô đơn”, “thất tình” vẫn đồng hành với nhiều người trẻ. Có thể thấy ở các hội sách, thể loại tiểu thuyết tình yêu, tản văn, kỹ năng làm giàu luôn được giảm giá tốt, số lượng luôn chiếm ưu thế so với sách khoa học, sách nghiên cứu. Hoặc những cuốn sách “hot”, sách “trend”, sách của các tác giả trẻ và nổi tiếng trên mạng xã hội luôn được các bạn trẻ săn đón.

Cao Ngọc Duyên (sinh viên Học viện Tài Chính) cho biết: “Mình và bạn bè hay chọn sách “hot trend” vì nó nổi trên facebook, dễ ngấm, dễ đọc, ít phải suy nghĩ nhiều. Mỗi lần đi hội sách mình hay chọn mấy quyển ngôn tình hay tản văn về đọc, sách khoa học hay sách khó hiểu đọc nhanh chán lắm”.

Có thể thấy sách ngôn tình, tản văn tình cảm giới trẻ đang chiếm lĩnh một không gian rộng trong văn hóa đọc. Cũng giống như show truyền hình, dễ nhớ, dễ thuộc, phù hợp tâm lý trẻ trung, một chút “đau buồn tuổi trẻ” sẽ giành thế thượng phong.

Đặc biệt, sách “mì ăn liền”, với những câu từ đi thẳng trái tim, những dòng tâm sự “buồn man mác” hay những câu chuyện tình kiểu “hot boy- hot girls” đang đi dần vào văn hóa đọc của các bạn trẻ.

Khác với vài chục năm về trước, thị trường hiện nay vô cùng phong phú về nội dung và hình thức. Những cuốn sách “gối đầu giường” như “Mãi mãi tuổi 20”, “Thép đã tôi thế đấy” là kim chỉ nam sống cho người trẻ khi họ tìm kiếm lý tưởng sống cho bản thân. Thì hiện nay, những cuốn sách theo mô - típ “yêu - chia tay - yêu”, “thất tình - buồn -cô đơn” lại là bạn đồng hành với giới trẻ. Sự dễ dãi trong việc đọc sách, tâm lý “đú trend” hay thích kiểu sách “mì ăn liền” là điều đáng lo ngại.

“Mình ít đọc sách, có khi cả năm chả động đến một quyển nào. Bây giờ, Công nghệ phát triển, cần gì thì click “google” một cái là ra ngay. Đọc sách phải đủ kiên nhẫn, chứ lắm khi mình đọc mấy quyển ngôn tình, tản mạn cho thư giãn chứ kiểu “Thế giới phẳng” thấy không cần thiết lắm với mình” bạn Vũ Đức Mạnh (sinh viên Đại học Xây dựng) chia sẻ.

Khi hỏi một số bạn trẻ về thói quen đọc sách, không ít những cái lắc đầu trả lời rằng họ đọc ít hơn một quyển sách mỗi năm. Số sách chỉ đếm trên đầu ngón tay hoặc rất ít. Bình quân mỗi người Việt Nam chỉ đọc trên dưới 01 cuốn sách/năm. Chỉ có 30% người dân Việt Nam có thói quen thường xuyên đọc sách.

Những con số giật mình về sự lười đọc của xã hội. Đặc biệt, hiện nay người trẻ lại ngày càng xa dần với sách, khi họ tiếp cận nhiều thú vui giải trí khác như âm nhạc, mạng xã hội… Cụm từ “đọc sách” không biết được đặt ở vị trí nào trong danh sách học tập, giải trí của thanh niên bên cạnh họ xuất hiện đủ kiểu công nghệ hiện đại. Bên cạnh đó, chất lượng của “văn hóa đọc” ở việc chọn thể loại sách đọc cũng thảm hại không kém.

“Sách là tài nguyên tri thức”, “sách là người thầy kiến thức”... những câu từ quen thuộc trong mỗi bài nghị luận của chúng ta về “Sách”. Nhưng phải chăng, chúng ta đang “nợ sách một ân tình”, khi con người ngày càng thờ ơ, lạnh lùng với sách. Đặc biệt là người trẻ, khi đang lạc lối giữa một mê trận sách, hoặc họ không biết mình phải đọc gì?

_Theo baophapluat.vn

Lê Mai / 0 bình luận / 24/05/2022
Viết bình luận
Hotline 0328033988
Liên hệ qua Zalo
Messenger