[Do Hoang Tung] Review "KHOẢNG TRỐNG KHÔNG DỄ LẤP ĐẦY TRONG TÂM HỒN"
Michelle Phan được xem là một trong những Beauty Blogger nổi tiếng nhất trên thế giới. Cô gái gốc Việt này từng đứng trên đỉnh cao với đế chế làm đẹp trị giá hàng trăm triệu đô. Nhưng rồi, bỗng một ngày cô xóa nhiều bài trên kênh Youtube của mình, để trắng tài khoản Twitter, và thay ảnh đại diện bằng một tấm hình màu đen…
Mãi sau này người ta mới biết rằng cô phải rời xa sự nghiệp đỉnh cao của mình vì bị suy nhược. Cô chia sẻ: mỗi buổi sáng ngủ dậy, tôi thấy mình dường như đang vỡ vụn.
Điều gì khiến cho cô bị như vậy chứ? Chẳng nhẽ những thành công mà cô đã đạt được lại không khiến cô cảm thấy thực sự mãn nguyện? Bạn hoàn toàn có thể tự hỏi như vậy.
Thực ra, nếu bạn biết rằng điều gì đã xảy ra với gia đình của Michelle Phan khi cô còn nhỏ, thì bạn sẽ dễ dàng tìm ra câu trả lời cho mình.
Cô từng chia sẻ về tuổi thơ của mình như sau: một buổi sáng, cô tỉnh dậy và nhận ra rằng cha mình đã rời bỏ mẹ con cô mà đi. Mẹ cô đã rất đau khổ. Cô không biết vì sao cha mình lại ra đi, nhưng đêm nào cô cũng mong ngóng ông sẽ quay trở về...
Sự kiện đau buồn đó trở thành một chấn thương tâm lý (trauma) và hệ quả của nó để lại là một khoảng trống khó có thể lấp đầy trong tâm hồn cô… ngay cả khi sau này cô đã có được tất cả: sự nghiệp, danh vọng, tài chính…
Có thể nói, ngoài một số áp lực đến từ công việc, thì cội nguồn của tất cả vấn đề tâm lý của cô bắt nguồn từ cảm giác bị bỏ rơi trong thời thơ ấu, cảm giác rằng cảm xúc của mình không được ai quan tâm tới, cảm giác rằng hình như mình chẳng hề có ý nghĩa gì trong mắt những người yêu thương nhất (vậy nên họ mới bỏ mình mà đi)…. Vậy thì điều gì có thể hàn gắn, chữa lành cho những người đã phải trải qua tổn thương trong thời thơ ấu giống như Michelle Phan?
Theo hai nhà tâm lý học Jonice Webb và Christine Musello trong cuốn sách Lấp đầy trống rỗng: Chữa lành tổn thương cảm xúc thời thơ ấu, cho rằng bạn cần phải:
Học cách nhận biết, điều tiết, tin tưởng và trân trọng cảm xúc của mình. Học cách chăm sóc, kỷ luật, tự xoa dịu và thương yêu bản thân.
Sách cũng chỉ ra 12 kiểu cha mẹ đánh mất kết nối cảm xúc với con cái, với những câu chuyện có thật, chi tiết và sinh động. (Cụ thể vui lòng xem ảnh minh họa trong comment.) Chúng nhắc nhở những bậc làm cha làm mẹ rằng, đôi khi sự lơ là, sự vô tâm có thể gây tổn thương đến tâm hồn trẻ thơ sâu sắc như thế nào.
Link gốc: https://www.facebook.com/photo/?fbid=10221054050407398&set=a.3294111278092