Giao hàng toàn quốc

Đồng giá phí 15.000 vnđ

Đổi trả miễn phí!

Trong vòng 3 ngày

Tư vấn miễn phí!

Cho tất cả các sản phẩm

Nhà nghiên cứu Nguyễn Thụy Phương: Đại dịch thúc đẩy sự tự học và tự lập

Nghiên cứu về lịch sử giáo dục Việt Nam thời Pháp thuộc, không ít lần TS Nguyễn Thụy Phương chạm đến những tài liệu nói về việc các chính sách, mô hình giáo dục lý tưởng đã bị gián đoạn bởi những xoay chuyển bất ngờ của bối cảnh.

Hiệu sách tại Pháp được mở cửa như các siêu thị bán nhu yếu phẩm trong thời gian giãn cách xã hội.

Từ Paris (Pháp), chị dành cho Tuổi Trẻ cuộc trao đổi, chia sẻ góc nhìn riêng của một nhà nghiên cứu về văn hóa - giáo dục trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

 

Hiệu sách mở cửa trong giãn cách

 

* Ngay khi vừa bùng phát đại dịch COVID-19, nước Pháp đã thành lập một ủy ban các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực khoa học xã hội nhằm cố vấn cho tổng thống và chính phủ. Họ giúp nhà nước đưa ra các phân tích, phản biện, khuyến cáo, điều chỉnh chính sách và xử lý khủng hoảng. Theo chị, vì sao vai trò của khoa học xã hội lại được chú trọng?

 

- Vì đây là một cuộc khủng hoảng đa diện, nó bắt đầu từ lĩnh vực sức khỏe - y tế và nhanh chóng tác động đến kinh tế, tài chính, sản xuất và mọi mặt đời sống xã hội trên toàn cầu ở mức kỷ lục. Phức tạp, đa diện và biến chuyển của tình thế buộc phương pháp làm việc phải đa ngành. Một tình huống mới xảy ra cần phải được soi chiếu thông qua nhiều chuyên môn: nhà toán học dựng mô hình biến hóa, nhà xã hội học dự đoán tác động của nó lên dân chúng, bác sĩ chẩn đoán hướng điều trị thích hợp...

Sức khỏe cộng đồng, liên kết xã hội, bất bình đẳng, phân biệt chủng tộc, môi trường sinh thái, chính trị, quản trị, tín ngưỡng, lãnh thổ, lưu thông kinh tế..., gần như toàn bộ mọi mặt hoạt động của xã hội đang bị con virus này tác động và chất vấn.

Nếu như các bác sĩ nói rằng phong tỏa là chiến thuật để ngăn chặn dịch thì các nhà xã hội học hay tâm lý học cần lên tiếng ở phương diện khác sao cho bức tranh toàn cảnh được phối màu đúng thực tế. Nghĩa là phong tỏa cũng làm tăng lên bất bình đẳng xã hội giữa các tầng lớp dân chúng, tăng nguy cơ cho những người yếu thế (phụ nữ bị bạo hành, người khuyết tật, vô gia cư, người già cô đơn, người nhập cư...).

Các nhà xã hội học phải phân tích được sự tiếp nhận và biểu thị về COVID-19 ở trong dân chúng, về việc tán thành - tuân thủ hay không của họ trước các biện pháp của chính phủ. Và chỉ có các ngành khoa học xã hội và nhân văn mới có thể đưa ra các kịch bản, tình huống, phân tích lẽ thiệt hơn, đánh giá tác động tới các nhóm để tư vấn cho chính phủ.

 

* Nói về văn hóa cộng đồng, người Pháp có xem sách là "sản phẩm" thiết yếu trong những cuộc giãn cách?

 

- Cách ly và phong tỏa diện rộng đang và sẽ tác động đến vấn đề tâm lý và tinh thần của toàn dân từ trẻ nhỏ đến người lớn: mệt, chán, stress, lo lắng, sợ hãi, hoảng loạn..., tùy mức độ nặng nhẹ ở từng cá nhân. Tử vong nhanh và nhiều khiến cho vấn đề tín ngưỡng, tâm linh và tôn giáo cũng cần được lưu tâm khi đại dịch đi qua.

Sau ba đến bốn tuần nghe thời sự trên đài, tivi hay Internet về tình hình dịch bệnh, có thể bạn sẽ rơi vào nhiều cung bậc trạng thái trầm cảm, chán chường, mệt mỏi, cáu gắt... Điều này đã được các nghiên cứu tâm lý khẳng định. Vậy "cứu cánh" duy nhất của bạn hãy là tự tìm ra một thú vui tinh thần bằng cách nghe, đọc, xem...

Với cá nhân tôi, thú vui đó là đọc sách; vì với sách, bạn được nuôi dưỡng tinh thần, được thỏa mãn trí tưởng tượng hay thu nạp thêm kiến thức, được có một khoảng thời gian tĩnh tâm tĩnh trí qua việc đọc.

Ở Pháp, trong các kỳ cấm túc, các hiệu sách được phép mở cửa như các siêu thị bán đồ nhu yếu phẩm bởi vì người Pháp coi rằng văn hóa nói chung và sách nói riêng là một phần thiết yếu của cuộc sống.

 

Cùng học, cùng sáng tạo

 

* Chị có nhận định gì về sự tác động của đại dịch lần này đến đời sống giáo dục toàn cầu?

 

- Giáo dục là một trong những lĩnh vực cần thời gian mới nhìn thấy được kết quả, ví dụ cần một năm học mới biết kết quả học hành, cần 12 năm mới biết hành trình học của một học sinh. Người xưa nói "trăm năm trồng người". Thế nhưng, chỉ cần dịch bệnh, chiến tranh thì việc học hành sẽ ngưng lại, gián đoạn, thậm chí bỏ dở luôn. Lịch sử Việt Nam và thế giới đã minh chứng điều này, nhất là trong thế kỷ 20.

 

Đại dịch COVID-19 vẫn đang ở hồi tiếp diễn trên mọi châu lục. Là một chuyên gia giáo dục, tôi nhìn thấy nỗ lực hết mình của các hệ thống giáo dục quốc gia, từ giáo viên, nhà quản lý, học sinh tới phụ huynh, để thích ứng và duy trì việc học và dạy. Đã bao giờ 188 quốc gia phải đóng cửa trường học khiến 1,7 tỉ học sinh trên thế giới bị gián đoạn việc học hành chưa?! (thống kê của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế - OECD, tháng 6-2020).

Đại dịch này đang và sẽ để lại những hệ quả vừa tích cực vừa tiêu cực như: kết quả học tập có giảm sút sẽ dẫn đến chất lượng giáo dục giảm thì tăng trưởng kinh tế cũng giảm theo; đại dịch tạo cơ hội và tiếp đà cải cách - canh tân sư phạm cả trên phương diện tư duy lẫn công nghệ và công cụ; điều hòa và cân đối giờ trở thành vừa là tâm thế quản trị vừa là kỹ năng kiểm soát của những nhà hoạch định và quản lý các nền giáo dục...

 

* Còn với mô hình và hệ thống giáo dục trong nước, theo chị, cần có trang bị gì để có thể ứng phó với một tương lai còn nhiều cảnh huống bất định như đại dịch này?

 

- Ở tầm vĩ mô, Việt Nam cũng có chung một kịch bản với nhiều quốc gia khác. Đó là đại dịch làm lộ rõ hơn sự bất bình đẳng, thực chất đó là bất bình đẳng xã hội lan vào bất bình đẳng học đường. Con cái những gia đình thành thị, có điều kiện vật chất sẽ sống trong cảnh cách ly, vừa học vừa chơi vừa nghỉ, khác với con cái những gia đình nghèo khó, thiếu thốn.

Ở tầm vi mô, trong những tế bào xã hội là gia đình thì người Việt đề cao và chú trọng đầu tư việc học cho con cái. Nhưng trong tình trạng cấm túc không biết ngắn dài bao lâu thì cha mẹ đặc biệt phải quan tâm đến sức khỏe tinh thần của con.

Có những cách giản dị như cùng chơi với con, cùng đọc sách, nghe nhạc với con, cùng trò chuyện - đối thoại với con, cùng tập thể dục trong nhà với con... để đứa trẻ không phải đối diện một mình nhiều tiếng đồng hồ trước các thể loại màn hình phẳng: máy tính, điện thoại, vô tuyến...

Bây giờ kết hợp giữa vi mô và vĩ mô, kết hợp giữa thiết chế giáo dục, nhà trường và gia đình thì nhà quản lý và phụ huynh phải tôn trọng, động viên, ủng hộ giáo viên và học sinh vì đây là hai chủ thể trực tiếp dạy và học. Hãy cùng nhau sáng tạo ra những phương pháp tương tác mới, ví dụ mỗi tuần một buổi giao lưu giữa các học sinh với nhau theo chủ đề tự chọn (khoa học thường thức, nghệ thuật...), giữa phụ huynh và giáo viên, giữa giáo viên với nhau.

Tuy nhiên, hai hình thức giao lưu sau cùng nên có sự hỗ trợ của những nhà chuyên môn khai vấn, trị liệu hay tâm lý học, như một tiếng nói thứ ba, làm trung gian cho những lý giải khoa học và khách quan hóa hiện thực...

 

* Các triết gia, học giả phương Tây nói nhiều về sự thức tỉnh và chấn chỉnh văn minh sau đại dịch. Vậy theo chị, văn minh về sự học (hay giáo dục) nói chung cần được chấn chỉnh chiều hướng nào?

 

- Theo quan điểm của tôi, đó là tinh thần tự học và tự lập. Nghe thì không mới đâu, vì Phan Châu Trinh và những chí sĩ Việt Nam theo tư tưởng của ông đã từng nói và thực hành như vậy. Hiện nay trong các nghiên cứu và báo cáo của OECD, khái niệm tự chủ (Pháp: autonomisation; Anh: empowerment) ngày càng được nhấn mạnh.

Lịch sử nhân loại đang bước vào một chu trình mà ở đó biến động - nay thì là dịch bệnh, mai thì là thảm họa thiên nhiên và môi trường - sẽ gây ra bất ổn và bất an nên các công dân tương lai phải được đào tạo để thích nghi và thích ứng với thời cuộc.

Như vậy, tự học và tự lập thời Phan Châu Trinh là để "Khai dân trí - Chấn dân khí - Hậu dân sinh" và giải phóng dân tộc. Thời nay, tự học và tự lập là để sinh tồn trong một nền văn minh vật chất - công nghệ vũ bão, để đối diện và chống chọi với dịch bệnh và những cơn giận dữ của thiên nhiên trong các thập niên tới.

 

* Câu hỏi rất cá nhân. Là con dâu của ông Trần Thiện Đạo - một trí thức, nhà văn, dịch giả Sài Gòn trước 1975, tình cảm của chị với Sài Gòn - TP.HCM chắc chắn cũng có những điểm đặc biệt?

 

- Miền Nam nói chung và Sài Gòn nói riêng rất giống những vùng miền phương Nam nước Pháp. Nắng gió, đa dạng, cởi mở và nồng hậu là đặc điểm những mảnh đất này đón nhận những người phương xa đến an cư lạc nghiệp.

Sài Gòn là một trong những thành phố tôi ao ước được sống trong nhiều năm cuộc đời với gia đình nhỏ của mình. Tôi mong ước chồng và các con tôi hiểu về thành phố này, hiểu về Nam Bộ, để từ đó hiểu về người cha, người ông đã khuất, người giữ nguyên tinh thần "ông già Nam Bộ" trong những năm cuối đời với chút gàn gàn nhưng lạc quan cực độ.

Theo thuyphuong.eu, Nguyễn Thụy Phương là tiến sĩ giáo dục học, giảng viên tại Đại học Paris; nhà nghiên cứu về giải thực dân văn hóa, lịch sử giáo dục thuộc địa và hậu thuộc địa; chuyên gia tư vấn, thẩm định và hợp tác các dự án trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo tại Pháp và Việt Nam; sáng lập viên và phó giám đốc Mạng lưới Giáo dục (EduNet, trực thuộc AVSE Global); giám đốc của Diễn đàn Giáo dục Việt Nam (Vietnam Education Symposium).

Đã xuất bản: Giáo Dục Mới tại Việt Nam thập niên 1940 (2018), Giáo dục Việt Nam dưới thời thuộc địa - Huyền thoại đỏ và Huyền thoại đen (2020).

 

_Theo tuoitre.vn

Lê Mai / 0 bình luận / 24/05/2022
Viết bình luận
Hotline 0328033988
Liên hệ qua Zalo
Messenger