[Review Sách] “Nhận diện 5 tổn thương” & “Chữa lành 5 tổn thương”
Bộ sách gồm 2 cuốn: “Nhận diện 5 tổn thương” & “Chữa lành 5 tổn thương” của tác giả Lise Bourbeau sẽ là một người bạn đồng hành đáng tin cậy trên hành trình khám phá và hồi phục tổn thương bên trong của bạn.
Bài review của tôi gồm có 2 phần. Phần 1 chia sẻ cảm nghĩ của tôi về cuốn sách “Nhận diện 5 tổn thương” và phần 2 về cuốn “Chữa lành 5 tổn thương”.
Phần 1: Nhận diện 5 tổn thương
Gọi tên những tổn thương
Những vết thương bên trong thường là những vết thương nguy hiểm và gây ra đau đớn nhất. Nhưng chúng ta hiếm khi nhận biết về những vết thương ấy, thậm chí đôi lúc còn gắng gượng che giấu chúng, sống cùng và chấp nhận để chúng điều khiển.
Tác giả Lise Bourbeau đã kế thừa những nghiên cứu về mối liên kết giữa cơ thể và những phương diện cảm xúc, tinh thần từ nhà tâm thần học người Áo Sigmund Freud; khám phá về mối liên quan giữa tâm lý và sinh lý của Wilhelm Reich (học trò của Freud); phát hiện về trường năng lượng sinh học của hai nhà phân tâm học John C. Pierrakos và Alexander Lowen và cuối cùng là Barry Walker (học trò của John C. Pierrakos) để tổng hợp lại 5 tổn thương cùng những biểu hiện đi kèm với chúng.
Những tổn thương này thường không được nhận biết rõ ràng. Để tiếp tục tồn tại, con người tạo ra những mặt nạ che đậy tổn thương (tác giả đã lấy ví dụ về tổn thương bên trong với một vết thương hở được bọc lại bởi đôi găng tay- mặc dù không nhìn thấy nhưng vẫn gây ra cảm giác nhức nhối và có thể bị nhiễm trùng).
Có 5 loại tổn thương tương đương với 5 kiểu mặt nạ che đậy:
- Tổn thương Phủ nhận với mặt nạ Chạy trốn
- Tổn thương Bỏ rơi với mặt nạ Phụ thuộc
- Tổn thương Sỉ nhục với mặt nạ Khoái khổ
- Tổn thương Phản bội với mặt nạ Kiểm soát
- Tổn thương Bất công với mặt nạ Cứng nhắc
Những tổn thương này sẽ tạo ra mặt nạ, những tấm mặt nạ này khiến chúng ta không được sống toàn vẹn, đầy đủ là chính mình. Dù có đạt được hay mất đi điều gì trong cuộc sống, dù được yêu thương hay cố gắng để yêu thương, thì kết thúc sau cùng của những cá nhân mang trong mình những tổn thương chưa được chữa lành, vẫn luôn là sự đau khổ.
Ảnh hưởng đối với cuộc sống
Dù được che đậy, tổn thương vẫn bộc lộ thông qua cơ thể, hành động và ngôn ngữ. Không phải tất cả chúng ta đều tổn thương, nhưng tôi nghĩ đề tìm ra được môi trường lý tưởng đến mức hoàn toàn không có tổn thương nào từ lúc còn nhỏ cho tới khi trưởng thành là điều rất khó tin. Có lẽ, ai cũng mang trong mình ít nhất một tổn thương, chưa được biết tới hoặc đang được chữa lành.
Tổn thương Phủ nhận với mặt nạ Chạy trốn
Tổn thương do bị phủ nhận càng sâu, người ta càng dễ đẩy mình vào những tình huống bị ai đó phủ nhận hoặc chính họ phủ nhận ai đó. (trang 49)
Dạng tổn thương này thường xuất hiện từ rất sớm khi sự hiện diện của trẻ bị phủ nhận hoặc trẻ không cảm nhận được tình yêu thương, sự chấp nhận từ cha mẹ. Cơ thể của những người mang tổn thương này thường mỏng manh. Bạn có thể xem hình minh họa trong sách: với mỗi dạng tổn thương khác nhau thường sẽ kèm theo những hình dạng cơ thể khác nhau- đây là dấu hiệu giúp chúng ta nhận biết được phần nào những tổn thương mà ai đó trải qua, dù cho chính bản thân họ không nhận ra hoặc chưa muốn nói ra. Cơ thể của chúng ta không nói dối chúng ta nhiều như bản ngã.
Nhóm người mang mặt nạ Chạy trốn do bị Phủ nhận thường có đặc điểm tính cách thờ ơ, thu mình, dễ lạc vào một thế giới khác và thích trốn tránh.
Tổn thương Bỏ rơi với mặt nạ Phụ thuộc
Khác với tổn thương Phủ nhận (ở phạm trù tồn tại) tổn thương bị Bỏ rơi nằm ở phạm trù sở hữu và hành động. Cảm giác bị bỏ rơi ập đến khi trẻ phải đơn độc một mình trong tình huống cần có sự hiện diện của cha mẹ hoặc trẻ phải tự chăm lo bản thân khi cha mẹ chạy theo các mối bận tâm khác trong đời sống.
Để bù đắp, nạn nhân sẽ tạo ra mặt nạ Phụ thuộc. Họ trở nên thụ động, khao khát sự ủng hộ, thậm chí chấp nhận tính ràng buộc để được hỗ trợ và chú ý.
Những hành vi đặc trưng của người phụ thuộc xuất hiện có thể là do họ sợ phải sống lại tổn thương bỏ rơi (trang 97).
Các dạng tổn thương thường có liên quan nhiều đến thời thơ ấu. Nếu muốn tìm hiểu kỹ các yếu tố bên trong và các điều kiện ngoại cảnh, thì bạn có thể tìm đọc cuốn “Lấp đầy trống rỗng – Chữa lành tổn thương cảm xúc thời thơ ấu” của tác giả Jonice Webb.
Tổn thương Sỉ nhục với mặt nạ Khoái khổ
Đây là dạng tổn thương tạo ra kiểu người thích tự hành hạ bản thân, tự mang lấy những cảm giác áy náy, dằn vặt dai dẳng vì những nguyên nhân vu vơ và tự trừng phạt chính mình cũng như người khác.
Nguyên nhân của tổn thương này đến từ sự khắc nghiệt của môi trường sống, từ những tác động mang tính so sánh, hạ thấp, khinh thường của cha mẹ đối với con cái. Mang nỗi đau ấy cho tới lúc trưởng thành, cá nhân tự trang bị mặt nạ Khoái khổ để hợp lý những mặc cảm tội lỗi sâu bên trong. Họ hiếm khi khoan dung với bản thân và vì vậy cũng rất khó khoan dung với người khác.
Ta chỉ trích người khác thế nào thì chính bản thân ta cũng là thế ấy và ta không muốn nhận ra điều đó (trang 136)
Nhóm mang tổn thương này thường nhìn nhận “tự do” đồng nghĩa với “buông thả”. Họ sợ tự do và thậm chí là sợ cả những nhu cầu chính đáng của bản thân mình (có xu hướng đè nén ham muốn tình dục và bù lại bằng ăn uống). Đây cũng là nhóm thích gánh vác quá nhiều thứ trong cuộc sống.
Tổn thương Phản bội với mặt nạ Kiểm soát
Dạng tổn thương này thường mang lại những đặc điểm hình thể thu hút, thể hiện năng lực và sức mạnh: nam giới có vai rộng hơn hông, nữ giới có hông rộng, chắc hơn vai, ngực nở căng. Họ hay mong muốn bản thân trở thành người quan trọng, thể hiện xuất sắc để được chú ý nhưng lại đa nghi, thiếu kiên nhẫn, thiếu vị tha và thường nói dối.
Nhiều người đau khổ bởi bị phản bội phải chịu đựng một thực tế là cha/mẹ khác giới không giữ đúng trách nhiệm của mình như kỳ vọng về một người cha/mẹ lý tưởng của đứa trẻ (trang 170).
Để không rơi vào tình huống bị phản bội, họ chủ động tấn công bằng tấm mặt nạ Kiểm soát. Họ làm tất cả để lảng tránh nỗi sợ phân ly và nỗi sợ bị từ chối. Người mang tổn thương này thường làm tất cả để kiểm soát mọi thứ theo ý mình, nhưng như bạn và tôi đều biết, cuộc sống thường không xảy ra theo cách mà chúng ta muốn- do đó, họ sẽ vô thức liên tục tự lặp lại nỗi đau khổ.
Tổn thương Bất công với mặt nạ Cứng nhắc
Đây là dạng tổn thương cuối cùng được đề cập đến nhưng không vì vậy mà nó ít phổ biến. Tổn thương Bất công xảy ra khi chúng ta không được là chính mình, không thể sống đúng với cá tính và không có quyền thể hiện bản thân. Tôi nghĩ dạng tổn thương này sẽ xuất hiện nhiều ở trong những gia đình Châu Á truyền thống với nếp sinh hoạt kiểu gia trưởng.
Chịu đựng tổn thương này sẽ dẫn đến hậu quả là tấm mặt nạ Cứng nhắc: họ sẽ hành động giống hệt như những gì người khác từng làm với họ, bất kể tốt xấu. Họ sợ chọn sai nhưng càng sợ họ lại càng chọn sai và cuối cùng không biết bản thân có đang công bằng hay không?
Con người ta càng sợ cái gì thì càng tự đâm đầu vào những tình huống ấy (trang 198)
Tính cầu toàn, đòi hỏi cao, thích trật tự và gặp khó khăn khi thể hiện tình yêu thương của họ biến họ thành những pháo đài kiên cố trên những hòn đảo xa xôi. Tính cách lạnh lùng ấy cũng góp phần khiến cho họ trở nên dễ đố kỵ và không chấp nhận tính tự chủ của người khác (họ vô thức tạo ra nỗi đau mà họ từng trải qua).
Để nhận diện 5 tổn thương này, ngoài những phương pháp được đề cập trong sách, bạn đọc có thể tham khảo thêm cuốn sách “Du hành vào cõi Toàn thức” của tác giả Olivier Lockert & Patricia D'Angeli. Tôi tin rằng trong hoạt động chữa lành (và các hoạt động trị liệu tâm lý) thì nhận biết đúng đắn về đối tượng cần chữa lành sẽ quan trọng hơn phương pháp chữa lành.
Phần 2: Chữa lành 5 tổn thương
Kể từ “Nhận diện 5 tổn thương”, phải đến 14 năm sau tác phẩm “Chữa lành 5 tổn thương” mới ra đời. Cuốn sách tập trung những khám phá mới nhất và chiêm nghiệm sâu sắc hơn của tác giả về câu hỏi cốt lõi “Làm thế nào để tôi có thể chữa lành những tổn thương của mình?”.
Hiểu về Bản ngã
Ngay trong phần mở đầu, tác giả đã trực tiếp đi sâu vào hệ thống sinh ra và nuôi dưỡng các tổn thương: bản ngã.
Bản ngã không thể chịu đựng được sự đau khổ của linh hồn. Nó chỉ sống cho bản thân nó. Điều cốt yếu khiến bản ngã cảm thấy hài lòng là chứng tỏ được rằng mình đúng. (trang 16).
Bản ngã là lý do ngăn chặn quá trình hồi phục của chúng ta, bởi nó khiến chúng ta hết lần này đến lần khác tự làm tổn thương bản thân và che dấu những vết thương này. Cách mà bản ngã đã khéo léo can thiệp để khiến những tổn thương không mất đi mà càng ngày càng trở nên nghiêm trọng qua thời gian như sau:
Cách chúng ta nhìn nhận và diễn giải một thực tế chính là nguyên nhân dẫn đến những đau khổ của chúng ta, chứ không phải bản thân ai đó hay hành động, thái độ của họ (trang 19)
Luôn cần chứng minh mình đúng, bản ngã của chúng ta đã dán nhãn mọi thứ đi ngược lại mong muốn của nó là sai. Nếu nhận ra được bản thân đang bị bản ngã kiểm soát, bạn sẽ nhận ra được loại mặt nạ mình đang mang và loại tổn thương đi kèm là gì.
Bản ngã không phải là chúng ta mà là một người trợ lý phục vụ cho chúng ta trong hành trình học hỏi của kiếp sống này. Nhưng với nhu cầu mãnh liệt về sự tồn tại và tầm quan trọng, nó thường quay ngược trở lại để kiểm soát chúng ta. Đây là danh sách vài điều nó muốn và nó khiến chúng ta nghĩ rằng chúng ta cũng cần:
-Tìm kiếm lời khen ngợi
-Không chịu lắng nghe
-Sử dụng phép so sánh hơn nhất
-Tự biện minh vào bảo vệ chính mình
-Nuôi dưỡng khái niệm tốt – xấu
-Tin rằng có thể khiến người khác cảm thấy hạnh phúc
-Sử dụng sự chỉ trích
-Tính kiêu ngạo
Trên thực tế, chúng ta không cần đến những điều này để hạnh phúc như chúng ta vẫn tưởng (bản ngã khiến chúng ta tưởng như vậy).
Do đó, để phục hồi và phát triển, chúng ta cần học cách lắng nghe và trò chuyện với bản ngã (vốn là tổng hòa các niềm tin của bạn). Sự tôn trọng và soi sáng này là tiền đề tốt cho quá trình chấp nhận những tổn thương, từng bước quay trở về với con người thực- mà đôi khi tác giả gọi là “Thượng đế bên trong”.
Nếu mù quáng chạy theo những hình ảnh về đấng linh thiêng bên ngoài, bạn sẽ tự dằn vặt, trách móc bản thân về những nhu cầu chính đáng, luôn khốn khổ tự phán xét bản thân chỉ để cảm thấy tội lỗi thay vì giải thoát.
Xứng đáng với Thượng đế là một phát minh của bản ngã. Hãy nhớ rằng Thượng đế là một nguồn năng lượng sáng tạo chứ không phải là người đang theo dõi bạn và định nghĩa điều gì tốt, điều gì xấu. Khái niệm xấu và tốt cũng chỉ là một phát minh của loài người và nó cũng chẳng có gì là thần thánh cả. Trên thực tế, những gì bạn học từ các trải nghiệm mới thực sự quan trọng. (trang 191)
Phục hồi và phát triển
Quá trình phục hồi và phát triển của bạn sẽ không tự nhiên diễn ra. Tự nhiên ban cho con người nhiều điều tốt đẹp, nhưng không nên vì vậy mà chúng ta chờ đợi những điều tốt đẹp đến một cách tự nhiên.
Có trách nhiệm có nghĩa là nhận ra rằng chúng ta liên tục sáng tạo ra cuộc sống và rằng chúng ta phải chấp nhận mọi hệ quả của những quyết định, hành động và phản ứng của mình (trang 227).
Trên hành trình đến với sự phục hồi và phát triển của bạn, có lẽ đã đến lúc tôi nên dừng lại để bạn chủ động tìm hiểu. Tác giả Lise Bourbeau cũng đưa ra lời khuyên là không nên diễn đạt lại cuốn sách theo ngôn ngữ của bản thân với người khác, mà nên để họ trực tiếp đọc sách và cảm nhận. Tôi tin lời khuyên này rất có giá trị. Chữa lành là quá trình tự nhận thức và tự hồi phục ở bên trong của bạn, người khác có thể chia sẻ nhưng không thể thay bạn thực hiện quá trình này được.
Khép lại bài review, tôi xin trích dẫn một nhận định quan trọng sau cùng, mà có lẽ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tất cả chúng ta:
Dù bạn có làm gì trong thâm tâm mình, bất kể qua sách vở, hội nghị hay hội thảo, sẽ chẳng có gì thay đổi trong cuộc sống của bạn cho tới tận khi bạn áp dụng một thái độ và hành vi mới (trang 221)
Bên cạnh những thương tổn tinh thần, nếu bạn muốn đào sâu hơn về liên kết chữa lành giữa tâm trí và cơ thể, bạn có thể tìm đọc về y học tâm - thể trong tác phẩm “Chữa lành lượng tử” của tác giả Deepak Chopra.
Thay cho lời kết
Lise Bourbeau là tác giả nổi tiếng toàn cầu, bà đã viết 20 cuốn sách, trong đó có nhiều đầu sách best-seller về chủ đề lắng nghe cơ thể và nhận diện những tổn thương bên trong. Sách của bà được dịch ra gần 20 ngôn ngữ trên thế giới. Từ khi thành lập trường phái nghiên cứu của mình vào năm 1982, những tư tưởng của bà đã giúp đỡ rất nhiều người cải thiện chất lượng cuộc sống và tạo ra những thay đổi bền vững hàng ngày.
Lắng nghe cơ thể bạn, trường phái phát triển bản thân có sức ảnh hưởng lớn nhất ở Quebec, đã được truyền bá trong các buổi hội thảo trên hơn 20 quốc gia và trong 10 ngôn ngữ.
Bộ sách “Nhận diện 5 tổn thương” và “Chữa lành 5 tổn thương” là hai trong số rất nhiều đầu sách best-seller của bà. Bộ sách phù hợp với:
-Những người muốn tìm hiểu cặn kẽ về nguồn gốc, tầm quan trọng của mỗi tổn thương và chiếc mặt nạ che đậy những tổn thương bên trong của mỗi người.
-Những người luôn mong muốn chữa lành tổn thương cho chính mình và những người thân yêu.
-Những chướng ngại trên hành trình chữa lành tổn thương và lợi ích của việc chữa lành mang lại.
-Những ai quyết định làm những điều khác biệt trong hàng ngày để từng bước thay đổi cuộc sống.
Chữa lành không hề phức tạp và đáng sợ, dù gọi hoạt động này bằng tên gọi nào, tôi tin đó là một phần tất yếu trong “Tiến trình thành nhân” của mỗi chúng ta.
Link gốc:
https://www.noron.vn/post/review-sach-nhan-dien-5-ton-thuong--chua-lanh-5-ton-thuong-15mg1nrlee4
https://diemsach.info/diem-sach-2/56531/
https://hnreader07.blogspot.com/2023/07/review-sach-nhan-dien-5-ton-thuong-chua.html?
https://nguyenphuhoangnam.com/review-sach-nhan-dien-5-ton-thuong-chua-lanh-5-ton-thuong/