Giao hàng toàn quốc

Đồng giá phí 15.000 vnđ

Đổi trả miễn phí!

Trong vòng 3 ngày

Tư vấn miễn phí!

Cho tất cả các sản phẩm

Sự mất tập trung và thói quen ngại đọc dài

Chưa có thời đại nào mà con người mất tập trung như bây giờ, sự tiến bộ về khoa học kỹ thuật, mở rộng của các ngành nghệ thuật và phát triển kinh tế tưởng chừng sẽ làm con người và những phong tục cũng trở nên lành mạnh hơn nhưng có vẻ như là điều ngược lại. Nhận thấy khoa học kỹ thuật phát triển chỉ làm con người ngày càng trở thành nô lệ của máy móc và công cụ, sự tiến bộ của các ngành nghệ thuật thực ra chỉ là sự huyễn hoặc và phát triển kinh tế chỉ làm con người thêm xa rời thiên hướng tự nhiên.

Một điều dễ dàng nhận thấy rằng, càng ngày dân trí của con người càng cao, nhưng vĩ nhân ngày càng hiếm. Trong hầu hết xã hội dân chủ ngày nay, con người trong xã hội đó mong muốn nhất không phải là tự do, mà chính là bình đẳng, chắc chắn họ luôn muốn bình đẳng cả khi không được tự do. Bình đẳng nghĩa là con người phải được đối xử ngang bình với nhau, nghĩa là cho phép mỗi phần tử trên cơ thể của xã hội làm bất cứ cái gì nó thích, có nghĩa là sự đứt mạch lạc, sự lên ngôi của phóng túng và hỗn loạn.

Và điều để phát triển vĩ nhân lại chính là tự do chứ không phải bình đẳng. Một cây mầm tốt không thể phát triển tối đa trong cùng một điều kiện chăm sóc như nhau được, và đặc biệt chúng không để những mầm cây khác hút hết chất dinh dưỡng đáng ra chúng được ưu đãi, chúng phải được chế độ nuôi dưỡng riêng biệt. Tại sao tôi nói về vĩ nhân? Theo tôi vĩ nhân là những người thực sự tập trung và hướng ý chí vào một vấn đề nào đó chứ không phải là cái gì cũng biết một ít, thông tin gì cũng nắm được một chút, mà đa phần chúng ta bây giờ là như vậy.

Phải nói rằng, trong chúng ta ai cũng muốn được tập trung nhưng lại rất khó để tập trung, có quá nhiều thứ làm ảnh hưởng đến sự tập trung đó. Riêng việc tập trung để đọc hoàn thiện một cuốn sách đối với chúng ta cũng là điều vất vả. Ta mua một quyển sách hay về và dự định đọc trong vòng một tuần sẽ xong. Sáng sớm tỉnh dậy là lúc tinh thần minh mẫn nhất, là thời điểm tốt để đọc sách, nhưng đã gần đến giờ đi học rồi, thôi đành mang đến lớp giờ nghỉ giải lao sẽ đọc. Đến giờ nghỉ giải lao trên lớp chuẩn bị lôi sách ra đọc thì đám bạn rủ ra ngoài nói chuyện cho vui, thôi đành cất lại về nhà sẽ đọc.

Tối về đến nhà thì tiếng ti vi của mẹ đang xem phim ồn áo khó tập trung được. Định lên phong đọc sách cho yên tĩnh thì nhớ ra hôm nay hình như mình chưa lên mạng, thử lên kiểm tra face xem có thông tin gì mới không đã! Vèo cái đã 10-11 giờ đêm rồi, chết rồi còn bài tập chưa kịp làm, làm cố cho xong đến 12 giờ đêm. Lúc này mới giở ra được trang sách đầu tiên, nhưng sao mắt của mình nó cứ ríu lại thế nhỉ? Đọc chẳng hiểu gì cả, chữ nghĩa cứ mờ dần mờ dần và chìm vào trong giấc ngủ. Sáng hôm sau tất nhiên lại ngủ dậy muộn, và cứ thế sang các ngày khác.

Cuối cùng chắc chỉ có ngày lễ hay ngày nghỉ mới có thời gian, nhưng cũng vừa mới lật vài trang sách thì tiếng chuông điện thoại bên cạnh reo: “Ê, hôm nay ngày nghỉ trời đẹp quá, anh em lâu chưa gặp nhau, đi đâu gặp nhau tí.” Và cứ thế, mấy tháng sau may ra mới đọc xong cuốn sách, nhưng điều quan trọng là có khi chẳng nhớ mình đã đọc xong cái gì. Những người sống nội tâm đôi khi lại là người có sự tập trung cao hơn người khác rất nhiều, nhưng khi bị tác động họ lại dễ bị ảnh hưởng hơn.

Những phương tiện khoa học kỹ thuật hiện đại như internet, điện thoại, tivi… Là nguyên nhân chính dẫn đến sự mất tập trung này. Đôi khi chúng ta không biết lên internet để làm gì nhưng không đủ can đảm để rời màn hình. Đôi khi không có cuộc gọi hay tin nhắn nào nhưng thói quen vẫn giơ điện thoại ra trước mặt kiểm tra, và đôi khi không có chương trình tivi nào hấp dẫn nhưng chúng ta không đủ can đảm để tắt nó đi, CHÚNG TA SỢ SỰ IM LẶNG, chúng ta muốn tập trung nhưng lại sợ tập trung.

Quá mâu thuẫn. Có quá nhiều thông tin không cần thiết đến với chúng ta hàng ngày, nhiều người vẫn tưởng đó là kiến thức, nhưng thực ra không phải, đừng khoe mình biết (know), hãy làm sao để mình hiểu (understand) và biết phân tích. Có quá không khi tôi nói rằng những người còn nghiện coi tivi, facebook là những người bình thường, thậm chí là tầm thường? Các chương trình tivi, phim ảnh vừa giết chết thời gian của chúng ta, chúng lại con giết chết cả điện ảnh và nghệ thuật. Hầu hết các chương trình này là vô bổ, gây độc hại nhưng lại gây được sự quan tâm nhiều nhất. Nguyên nhân không phải là chúng ta thích xem tivi, phim ảnh đâu, mà chính sự sợ hãi, buồn chán đã kéo chúng lại với chúng ta.

Một nguyên nhân nữa chính là sự phát triển của kinh tế, con người quá bận rộn cho miếng cơm manh áo của mình mà không còn nghĩ gì về những thứ khác, họ bỏ ra quá nhiều thời gian để kiếm tiền và rồi họ lại dùng tiền kiếm được để giết thời gian. Các quốc gia nghèo có vẻ luôn đặt mục tiêu kinh tế lên hàng đầu. Cụ Phan Châu Trinh đã đi trước chúng ta hàng trăm năm khi đề ra cải cách bằng cách: “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh.” Tức là kinh tế, các điều kiện sinh sống chỉ đứng hàng thứ ba, đầu tiên là phải khai trí. Vậy mà chúng ta bây giờ ít người hiểu được lời dạy này.

Trong vấn đề này, thiết nghĩ chúng ta nên có một môi trường phù hợp cho yêu cầu muốn tập trung của mình. Tôi nghĩ đôi khi chúng ta nên về các vùng nông thôn yên tĩnh (không phải đi phượt), đôi khi chúng ta nên rời xa bạn bè mình, đôi khi chúng ta nên vứt bỏ internet, điện thoại, tivi và đến một nơi nào đó thực sự yên tĩnh, và cũng đôi khi chúng ta nên cảm nhận vẻ đẹp của thiên nhiên bằng cặp mắt của mình thay vì cái máy ảnh.

Một vấn đề liên quan đến vấn đề tập trung là thói quen ngại đọc dài, hầu như trong mỗi người bình thường chúng ta cứ nhìn vào một quyển sách dày hay một bài viết chi chít chữ là đã ngán ngẩm không muốn cầm lên đọc tiếp rồi. Không biết nó hay hay dở, chỉ cần thấy nó dài là đã chán rồi. Không phải ngẫu nhiên các trang báo mạng hay có cái gọi là “giật tít”, về cơ bản họ hiểu con người chúng ta là những thành phần lười, mà thông tin của họ có quá nhiều nên phải dùng cách đó để lôi kéo lượng độc giả. Cũng có quá nhiều câu nói: “Dài quá, ngại đọc, tóm tắt coi!” Cũng không thể trách họ được, họ có quyền lựa chọn thông tin bổ ích cho mình trong vô số các thông tin, chính chúng ta chứ không ai khác vừa là người gây ra, vừa là nạn nhân của vấn đề này.

Có một điều là chúng ta ưa đọc trích dẫn hơn đọc toàn bài, các câu nói trích dẫn (quotes) thường được mọi người nhớ lâu và ưa thích hơn toàn bộ tác phẩm. Giống như món mì ăn liền, đã được người khác chế biến và dọn dẹp cho sạch sẽ, chỉ việc đổ nước vào và bê lên ăn, đọc trích dẫn cũng vậy, cũng được người khác tổng hợp, tìm kiếm và đưa lên cho, nhưng nó vẫn có ích lợi. Điểm bất lợi của việc chỉ đọc trích dẫn mà không tìm hiểu chi tiết thì cũng có nhiều, giống như chỉ hiểu cái chung mà bỏ qua cái riêng, những cái hay của tác phẩm đôi khi không phải ở cái chung mà chính là cái diễn giải ý chung đó. Chúng ta thích tổng hợp hơn phân tích, bởi tổng hợp đã có người khác làm cho rồi, tri thức của chúng ta là tổng hợp những cái tổng hợp đó.

Ta thường thấy trong các tác phẩm văn học, lịch sử, triết học… Cổ xưa họ viết khá dài, đôi khi có những điều hơi rời xa ý chính của tác phẩm, điều đó chỉ để diễn giải có cái ý chính đó. Các tác phẩm văn học kinh điển thường ít thành công trên điện ảnh bởi điện ảnh chỉ diễn tả được cái bề nổi của tâm lý nhân vật, chỉ có đọc chính tác phẩm văn học ta mới hiểu hết diễn tiến tâm lý đó.

Mọi người hãy cứ chọn những gì mà tự cho là tốt nhất với chính mình.

Lê Mai / 0 bình luận / 24/05/2022
Viết bình luận
Hotline 0328033988
Liên hệ qua Zalo
Messenger