[tuoitre.vn] Bùi Giáng - nguồn nhiệt hứng trào dâng
Đã có hàng chục cuốn sách, hàng trăm bài báo và thi ca nhạc họa viết về "thi sĩ kỳ dị" Bùi Giáng. Vì vậy, cuốn sách mới nhất về Bùi Giáng của nhà văn, dịch giả Bửu Ý sẽ khiến độc giả thắc mắc: có gì mới không?
Tác phẩm Bùi Giáng, một đời thơ (Thiện Trí Thức và NXB Dân Trí) cho hay cuốn sách này có những điều chưa từng được viết ra, chưa được nhắc tới, nên ông cảm thấy cần tiết lộ với độc giả, đặc biệt với những ai nghiên cứu và ngưỡng mộ Bùi Giáng.
Những sự thật chưa kể
Trò chuyện với phóng viên Tuổi Trẻ, Bửu Ý - tác giả - nói:
"Từ lâu lắm, cách đây hơn nửa thế kỷ, kể từ khi bắt đầu quen biết Bùi Giáng, tôi đã nảy sinh ý định viết về tác giả này. Tuy nhiên, viết như thế nào đây, viết những gì, và không viết những gì? Cái viễn tượng viết như "thầy bói xem voi" khiến tôi do dự mãi.
Đến nay tôi cảm thấy cần phải viết, vì có một số điều chưa từng được viết ra, chưa được nhắc tới, mà tôi thấy cần tiết lộ cùng độc giả, do một số tình huống tôi có duyên phận san sẻ với Bùi Giáng, một số hoàn cảnh mà tôi mắt thấy tai nghe trực tiếp.
Tôi cảm thấy cần viết ra, đặc biệt đối với những ai nghiên cứu và ngưỡng mộ Bùi Giáng, và nhất là sau khi trận hỏa hoạn xảy ra tại nơi ở của ông (năm 1969) thiêu rụi không những hàng ngàn cuốn sách mà luôn cả bao nhiêu lời giãi bày và tâm tư chất chứa trong vô vàn tác phẩm chưa kịp in ra".
* Có nhận xét rằng sách báo viết về Bùi Giáng rất nhiều và trong đó cũng không ít sự cường điệu, thêm thắt nhằm vẽ nên chân dung thật độc đáo của một "kỳ nhân" quái kiệt, cũng chỉ vì quá yêu quý Bùi Giáng. Ông có nhận thấy điều đó?
- Có một trùng hợp như là duyên phận đưa đẩy, trong 5 năm ở Sài Gòn 1963-1968, tôi trọ ở đâu thì anh Bùi Giáng lại ở gần đó, tôi chuyển nhà thì ông cũng chuyển nhà. Vì vậy, tôi thường ghé nhà ông, khi thì cùng trò chuyện, khi thì cùng đi chơi.
Có khi đi bộ với nhau từ Sài Gòn lên Chợ Lớn rồi về lại. Buổi sáng, chúng tôi thường đi dạo cùng nhau trong nghĩa trang ở đường Lê Văn Duyệt, gần chỗ ở trọ. Đó là những phút trải lòng, Bùi Giáng nói rất nhiều chuyện.
Ông trăn trở về cuộc đời, về sự sống, cái chết, về thi ca, về thiếu nữ... Bùi Giáng đọc và dịch rất nhiều tác phẩm của các tác gia trên thế giới.
Có những điều ông muốn trao đổi về ngoại ngữ, và tôi có thể đối thoại... Từ khi bắt đầu viết cuốn sách cho đến lúc này, tôi không có gì khác ngoài sự thật để khỏi phụ lòng Bùi Giáng.
* Ông gọi Bùi Giáng là "phù thủy ngôn ngữ, nhà luyện kim ngôn từ, lắp ghép những kiến trúc tân kỳ cho câu chữ...".
Nhưng đọc thơ và đời Bùi Giáng, người ta thấy ông dù rất kỳ công sáng tạo ngôn ngữ nhưng lại luôn đùa cợt với chữ nghĩa, xem nó như là sự vạn bất đắc dĩ phải dùng để chuyển tải cái ý, cái tình mà thôi...
- Đúng vậy, đó là thái độ mà Bùi Giáng muốn bày tỏ nhằm cảnh tỉnh cho người ta, nhất là người trẻ, khi dùng ngôn ngữ.
Vì người trẻ có hai xu hướng cực đoan, một số người thì coi thường ngôn ngữ, lại có những người quá coi trọng, thậm chí quá đề cao chữ nghĩa, sính ngoại ngữ, sinh ra bệnh hình thức, nhiều chữ mà ít nghĩa.
Bùi Giáng đọc làu sách báo tiếng Anh, Pháp, Đức, Trung... phải gọi là len lỏi ngóc ngách trong các rừng ngôn ngữ từ Đông sang Tây, nhưng bỏ ngoài tai những lời khen biết nhiều ngoại ngữ.
Ông nghiên cứu và dịch thuật những tác phẩm văn chương, triết học tự cổ chí kim, từ Đông sang Tây, nhưng ông không hề thích người ta nhìn mình như một nhà nghiên cứu. Bùi Giáng nặng nợ với sách, dầm mình trong sách, trong nhà đầy sách, nhưng lại không thích ai khen nhiều sách. Đó là thái độ sống của ông và cũng là cách ông cảnh tỉnh người đời.
Độc nhất vô nhị trong cõi thi ca
* Trong sách, ông đã phân tích về tư tưởng Bùi Giáng. Nếu có thể tạm đúc kết thì Bùi Giáng thuộc về chủ nghĩa nào: lãng mạn, hiện thực hay siêu thực, hay gì nữa?
- Bùi Giáng không phải người thực tế nhưng cũng không phải kẻ mơ mộng hão huyền. Trong ông, có cái gì đó siêu thực, lại có chất tân hiện thực. Ông khởi đi từ hiện thực nhưng nhìn hiện thực bằng một cặp mắt khác.
Bùi Giáng đọc nhiều sách Phật, gần gũi với các nhà sư và giới Phật học, chơi với nhiều người Công giáo và rất tôn trọng ông Đạo Dừa (người chủ trương hòa đồng các tôn giáo).
Nhưng Bùi Giáng không theo Phật, cũng không ảnh hưởng Lão Trang. Bùi Giáng là một con người có tư tưởng tự do, phóng khoáng, theo kiểu riêng của Bùi Giáng.
* Khác với những gì chúng tôi đã đọc, đã nghe về "thi sĩ kỳ dị","kẻ sĩ điên", Bùi Giáng trong sách của ông là một người rất tỉnh táo, gần gũi và thông tuệ. Nhưng lắm lúc Bùi Giáng không phải như vậy, khi ông mang đủ thứ nồi niêu xoong chảo rách nát trên người và hò hét giữa phố phường. Tóm lại, theo ông, Bùi Giáng là ai?
- Là một người có nguồn nhiệt hứng cao độ. Đó là một nguồn cơn nội tại cận kề với cái điên, nhưng dừng lại ở bên bờ say tỉnh, mà ta có thể gọi là sự phấn khích, hay là nhiệt hứng, tiếng Pháp gọi là fureur.
Kẻ có nguồn nhiệt hứng cao độ thì thường có lời nói và động tác thể hiện khác thường, và người đời quy chụp đó là điên.
Bùi Giáng là vậy, nguồn nhiệt hứng luôn trào dâng trong người, nhờ vậy bất cứ lúc nào cũng có thể tuôn trào thơ, có thể đọc sách suốt từ đầu đêm đến sáng; nếu không làm thơ, viết sách thì anh múa võ.
Sống vất vưởng đầu đường xó chợ mà rất ít khi thấy anh ốm đau. Nguồn nhiệt hứng ấy đã giúp cho anh có sức đề kháng rất cao. Cũng vì vậy mà anh không hề cố chấp, ghen ghét, tức giận gì ai cả. Lúc nào cũng "vui thôi mà!". Tôi gọi Bùi Giáng là một "hapax" - độc nhất vô nhị trong cõi thi ca.
* Ông có lời khuyên gì với bạn trẻ ngày nay, những người thích đọc sách nhưng chưa biết gì về Bùi Giáng?
- Đến với Bùi Giáng thì phải bình tĩnh, gạt đi mọi thiên kiến, hồn nhiên như đến với thiên nhiên. Cứ như thế và đọc đi thì sẽ cảm nhận được rất nhiều dưỡng chất từ văn chương, chữ nghĩa của Bùi Giáng!
_Theo Báo Tuổi Trẻ Online
Link gốc: https://tuoitre.vn/bui-giang-nguon-nhiet-hung-trao-dang-20230409085857361.htm
►Tìm hiểu thêm về cuốn sách tại: https://datsach.thientrithuc.com.vn/bui-giang-mot-doi-tho