Giao hàng toàn quốc

Đồng giá phí 15.000 vnđ

Đổi trả miễn phí!

Trong vòng 3 ngày

Tư vấn miễn phí!

Cho tất cả các sản phẩm

[VOV] Chuyển đổi số trong ngành sách: Bản quyền ebook chưa có cách giải quyết?

Chuyển đổi số là một trong những mục tiêu được quan tâm hàng đầu, được Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Ngành sách cũng không nằm ngoài guồng quay này. Tuy nhiên, để thực sự thành công trong việc chuyển đổi số, ngành sách vẫn còn rất nhiều vấn đề phải lưu tâm.

 

Nghe nội dung chi tiết tại đây: Cách mạng công nghiệp 4.0 đưa đến những thay đổi ngày càng nhanh trong nhiều lĩnh vực của đời sống, bao gồm cả ngành sách. Sự xuất hiện của sách điện tử (ebook) và sách nói (audio book) đã khiến cách tiếp cận cũng như thói quen đọc sách bắt đầu có sự chuyển biến: “Ngoài sách in truyền thống tôi cũng từng đọc ebook và nghe audio book rồi. Tôi thấy mỗi hình thức này thì đều có những đặc điểm riêng. Tuy nhiên, có một điểm chung là vô cùng tiện lợi, nhất là trong thời đại mọi người đều sử dụng smartphone như hiện nay. Và trong bối cảnh COVID-19, việc mà đọc sách online cũng tiện hơn rất là nhiều so với việc đến hiệu sách, tìm sách, chọn sách”, Bạn Huy Lê (Q. Ba Đình, Hà Nội) “Em nghiêng về sách chữ nhiều hơn. Bởi vì sách chữ có giá trị lưu giữ lâu hơn, thứ 2 là mình có thể tìm lại, mình có thể highlight lại nó. Còn về sách nói thì mình không thể highlight được và giọng đọc cũng ảnh hưởng đến một phần nội dung của cuốn sách”, Bạn Thu (Q. Nam Từ Liêm, Hà Nội) “Việc đọc sách điện tử cũng giúp mình khá nhiều. Mình chỉ cần bỏ ra chi phí bằng 1/3 chi phí mua một cuốn sách in truyền thống mà kiến thức mình dung nạp vào vẫn như nhau”, Bạn Mai Trang (Q. Đống Đa, Hà Nội).

 

Theo ông Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, chuyển đổi số là xu hướng tất yếu, quyết định sự sống còn của ngành sách trong thời đại công nghệ 4.0.

Chỉ riêng quy mô thị trường sách nói toàn cầu đã được định giá 2,67 tỷ USD vào năm 2019, dự kiến tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 24,4% từ năm 2020 đến năm 2027.

Các thị trường như Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… đều rất chú trọng tới mảng sách điện tử; tuy nhiên, so với thế giới thì ngành sách Việt Nam đang phát triển khá chậm:

 

“Trong những năm qua, số lượng sách điện tử Việt Nam tăng trưởng không cao và xét về audio book thì hiện chưa có nhiều. Hiện mới chỉ có 11 nhà xuất bản tham gia xuất bản điện tử.

Vừa qua có hai đơn vị đang đi vào giai đoạn thử nghiệm, đó là Voizfm mua bản quyền phát hành khoảng chừng trên 2000 đầu sách, hay đơn vị khác là Fonos. Ngoài ra cũng có một đơn vị phát triển rất mạnh và đã có giấy phép xuất bản là đơn vị Waka với số lượng lên đến khoảng 13000 cuốn sách điện tử, trong đó sách nói cũng có trữ lượng lên đến hàng triệu phút.

Tuy nhiên, nhìn chung thì cho đến nay thì so với sự phát triển thế giới thì sách nói nói riêng và sách điện tử nói chung thì phát triển vẫn còn tương đối chậm.”

Cũng theo ông Nguyễn Nguyên, thời đại công nghệ số với nguồn dữ liệu thông tin lớn (big data) cùng hàng loạt kỹ thuật, công nghệ hiện đại có thể giúp ngành sách tiếp cận độc giả nhanh chóng và hiệu quả hơn rất nhiều. Như việc big data có thể giúp nhà xuất bản, tác giả nhanh chóng thu thập số liệu về xu hướng đọc, thể loại sách ưa thích của độc giả, từ đó cho ra mắt các ấn phẩm “hợp trend”.

Nhờ công nghệ, quy trình để một cuốn sách tới tay độc giả cũng được rút ngắn, từ 5 bước (Tác giả - NXB – biên tập – Nhà phát hành – độc giả) có thể rút gọn xuống tối đa chỉ còn 2 bước (Tác giả - độc giả). Ngoài ra, sách điện tử cũng có thể nhanh chóng tiếp cận độc giả hơn thông qua các nền tảng trực tuyến như sàn thương mại điện tử, ứng dụng.

Tuy nhiên, vi phạm bản quyền – vấn đề vốn đã tồn tại nhiều năm với sách giấy, sẽ càng trở nên phức tạp hơn với sách điện tử.

 

“Thực sự thì mình cũng không để ý về bản quyền sách trên mạng. Có rất nhiều tiểu thuyết, sách truyện được chia sẻ trên mạng, trên các diễn đàn dưới định dạng file ebook, một số nơi thì họ thu phí tải, một số nơi thì cho miễn phí. Còn audio book thì chỉ cần vào youtube, gõ vài từ khóa là có hàng trăm video nghe kể truyện. Mấy cái đó mình cũng không để ý là họ có mua bản quyền hay không, cứ vào nghe thôi. Hay có cái podcast đang phổ biến thì chỉ phải bỏ ra một hai trăm nghìn cho mấy người rao bán trên mạng là nghe Spotify cả năm”. (Bạn Quang, Q.Hoàng Mai, Hà Nội)

Bà Trần Phương Thảo, Giám đốc Cty xuất bản Thiện Tri Thức chia sẻ, vấn đề vi phạm bản quyền với sách nói đang được giải quyết triệt để hơn vì dạng sách này thường được đăng tải trên podcast, youtube hay MXH, nơi mà các ấn phẩm lậu có thể bị quét và gỡ bỏ. Tuy nhiên, với ebook thì phức tạp hơn rất nhiều:

“Ebook chỉ đơn thuần là một cái file rất là nhẹ. Một số nơi thì họ sẽ tích hợp mấy nghìn cuốn sách ebook đâu đó, bán trên một cái usb mấy trăm nghìn cho khách hàng. Tình trạng ebook lậu rất nan giải và hiện nay vẫn chưa có cách giải quyết”.

Theo ông Nguyễn Nguyên, cuộc chiến với thực trạng vi phạm bản quyền đã tồn tại nhiều năm và đã đạt được một số kết quả. Tuy nhiên, trước sự phát triển của công nghệ thì việc ngăn chặn vi phạm bản quyền trở nên khó khăn hơn; để giải quyết thì cần có những giải pháp đồng bộ:

 

“Một, phải thực hiện đầu tiên đó là nâng cao nhận thức. Tôi nghĩ rằng đây là giải pháp quan trọng hàng đầu, từ ý thức của các đơn vị tham gia sản xuất cho đến chính độc giả. Phải ý thức được rằng là bảo vệ bản quyền chính là bảo vệ cho những nội dung sách, bảo vệ cho sự phát triển của ngành xuất bản, và cũng là bảo vệ chính độc giả, giúp họ có điều kiện tiếp cận với các bản thảo giá trị, chất lượng.

Thứ hai là thực hiện đẩy mạnh việc thanh tra, kiểm tra và xử lý phát hiện xâm phạm. Chúng tôi cũng sẽ đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động liên quan đến các giải pháp kỹ thuật, đặc biệt là các giải pháp ngăn chặn các trang web, nền tảng phát hành sách vi phạm bản quyền”.

Như ông Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đề cập, để giải quyết triệt để vấn đề vi phạm bản quyền thì việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của độc giả cần được ưu tiên hàng đầu. Bởi hiện tại, vì nhiều lí do mà nhiều người vẫn còn chưa nhận thức, hoặc bỏ qua việc tôn trọng bản quyền.

Hãy là người đọc văn minh, có trách nhiệm

 

Tháng 11/2007, Amazon cho ra đời thiết bị đọc sách điện tử và sự kiện này tạo ra một bước ngoặt trong ngành công nghiệp xuất bản thế giới. Rồi từ đó, hàng loạt thương hiệu máy đọc sách ra đời độc giả có cơ hội tiếp cận với nhiều đầu sách chất lượng. Sự xuất hiện của các sàn thương mại điện tử cũng giúp sách đến tay người đọc dễ dàng.

Nhưng mặt trái của công nghệ chính là tình trạng vi phạm bản quyền diễn ra ngày một tinh vi, phức tạp hơn.

Phải thừa nhận rằng, xử lý vi phạm bản quyền sách là khó, rất khó; nhất là vi phạm bản quyền ở mảng nội dung số.

Hiện trên các mạng xã hội, các diễn đàn có không ít hội nhóm với số lượng lên đến hàng chục nghìn thành viên cùng chung sở thích đọc ebook. Và họ ‘chung tay chia sẻ’ những đầu sách hay, nếu đầu sách giấy nào chưa có ebook, họ sẵn sàng kêu gọi nhau số hoá quyển sách đó.

Thời kỳ trước, các thành viên còn chia nhau mỗi người một ít để gõ lại quyển sách, rồi tạo thành ebook. Bây giờ thì đơn giản hơn nhiều, công đoạn đánh máy lại, đã được tính năng chụp ảnh của điện thoại làm thay, rồi chuyển sang bất cứ định dạng ebook nào.

Nhưng, cũng nhiều chuyện dở khóc dở cười. Khi người ta không hài lòng với chi tiết nào đó, hoặc không hài lòng với cái kết; họ sẵn sàng thay đổi, viết lại cái kết theo ý mình vào bản ebook, rồi ‘đóng gói’ chia sẻ tứ tung; mà không có ai kiểm duyệt.

Một sự xâm phạm tác quyền không thể nghiêm trọng hơn… Tiếp nhận thông tin kiểu này, chỉ khiến người đọc tự hạ thấp thẩm mỹ lẫn cảm quan thưởng thức; cũng như coi thường chất xám, giá trị của người làm sách.

Hoặc, phần lớn những người bán thiết bị máy đọc sách bao giờ cũng tặng kèm hàng chục nghìn cuốn ebook đủ các thể loại. Những ebook này sẽ được hỗ trợ lưu vào máy cho người đọc. Hoặc có những người vẫn “hồn nhiên”, dù đã mua sách bản quyền nhưng vẫn vô tư chia sẻ lên mạng với mục đích “chia sẻ kiến thức”.

Đây có phải là hành vi xâm phạm bản quyền không? Hỏi tức là đã trả lời…

Thiệt hại mà tác giả và nhà xuất bản phải chịu thì đã rõ. Nhưng để xử lý vấn nạn này; nếu chỉ dựa vào một biện pháp duy nhất là xử lý theo quy định của pháp luật, thì chưa hẳn đã hiệu quả.

Việc này, phụ thuộc vào sự chuyển đổi của những người làm sách. Ebook là một thị trường tiềm năng, một kênh phát hành tốn ít chi phí mà lại hiệu quả. Chủ động trên môi trường số, sẽ giúp tiến gần hơn nữa tới độc giả, bởi thói quen đọc sách cũng ít nhiều có sự thay đổi bởi sự phát triển của công nghệ.

Còn với người đọc, tôn trọng bản quyền, chính là góp phần nâng cao chất lượng sách nói chung và ebook nói riêng. Hãy trở thành người đọc văn minh và có trách nhiệm.

---

Link bài gốc: https://vovgiaothong.vn/chuyen-doi-so-trong-nganh-sach-ban-quyen-ebook-chua-co-cach-giai-quyet

Lê Mai / 0 bình luận / 24/05/2022
Viết bình luận
Hotline 0328033988
Liên hệ qua Zalo
Messenger