✿ Giới thiệu sách "Vũ Trụ Trong Hạt Bụi"
Từ “Vũ trụ” hay “Kosmos” trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là trật tự, hài hòa. Hy Lạp là cái nôi của nền văn minh Tây phương cho đến hiện đại. Vũ trụ về mặt vĩ mô là các hành tinh, các ngôi sao, cho đến các thiên hà, về mặt vi mô là thế giới của các nguyên tử và các hạt hạ nguyên tử. Tất cả chúng đều hiện hữu trật tự và hài hòa với nhau.
Với Đông phương cũng có những quan niệm xưa cổ về vũ trụ, trong văn hóa Ấn Độ và Trung Hoa. Nhưng nói về vũ trụ rộng nhất và sâu nhất là Kinh Hoa Nghiêm, được xem là kinh cao nhất của Phật giáo, được nói ngay sau khi Đức Phật giác ngộ.
Kinh Hoa Nghiêm cũng nói vũ trụ ở mặt vĩ mô: những thế giới hải, những thế giới úp, những thế giới ngửa, những thế giới hình như hoa xoắn tròn, những thế giới hình hoa sen…về mặt vi mô, kinh nói “lỗ chân lông, vi trần (hạt bụi nhỏ), sát na (phần nhỏ nhất của một khoảnh khắc)… Và tất cả những cái đó hoàn toàn trật tự, hài hòa với nhau để tạo thành vũ trụ.
Nhưng trật tự hài hòa của vũ trụ Hoa Nghiêm còn sâu sắc hơn nữa, mở rộng hơn nữa, đến gần như vô tận. Một sự vật không chỉ trật tự hài hòa với tất cả các sự vật khác mà còn bao gồm tất cả các sự vật khác (nhiếp) và thâm nhập tất cả các sự vật khác (nhập). Điều này chỉ có thể xảy ra khi tất cả đều “vô ngại” với nhau, và vô ngại bởi vì đều là tánh Không. Như thế cho đến cảnh giới rốt ráo là “sự sự vô ngại” và “trùng trùng duyên khởi, trùng trùng vô tận”.
Để đạt đến sự thật “sự sự vô ngại”, người ta phải thấy trực tiếp, chứng kiến trực tiếp, qua thí nghiệm trực tiếp, như khoa học. Phòng thí nghiệm, dụng cụ khoa học của chúng ta chính là thân tâm mình. Chính nơi phòng thí nghiệm thân tâm mình mà người ta tìm ra, nhìn thấy sự thực “sự sự vô ngại” của vũ trụ. Thế nên người xưa thường dùng chữ “thân chứng”, đích thân chứng nghiệm. Phật giáo có rất nhiều dụng cụ phương tiện cho việc này, tất cả nằm trong những khả năng sẵn có – chỉ cần mài giũa, làm tinh xảo thêm – của con người. Đó là sức tập trung (Chỉ, Định), khả năng quan sát, tưởng tượng sắc bén (Quán), những hoạt động tương ứng với sự thật (Hạnh), sự tha thiết mong cầu (Nguyện), lòng vị tha muốn ích lợi cho người khác (từ bi)…
Bởi vì cảnh giới sự sự vô ngại này ở khắp mọi không gian thời gian của vũ trụ, không nơi nào không có, không phút giây nào không hiện hữu, thế nên người ta có thể bắt gặp nó vào bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu. Rồi cứ thế đi sâu vào thực tại ấy như phẩm Nhập Pháp Giới của kinh diễn tả.
Bất cứ nơi nào, bất cứ lúc nào, cho nên người ta có thể bắt gặp Nó nơi một góc phố, nơi một chiếc lá nằm trên ghế đá công viên, nơi một đám mây lơ lửng trên thành phố chẳng ai để ý, nơi một âm thanh tình cờ buổi sáng, nơi khuôn mặt một người xa lạ, nơi một mảnh ngói bên lề đường, nơi một ngọn cỏ rung rinh theo gió…
Đó là điều kinh nói, “Một là Tất Cả, Tất Cả là Một”.
Nguyện mọi người được an vui và lợi ích khi đọc tác phẩm này
----------------------------------------
✿ Giới thiệu sách "Krishnamurti Nói Về Tự Do"
Một người có thể đi du lịch khắp thế giới bởi vì có nhiều tiền, không hẳn là có tự do; mong muốn được tự do của anh ta một lần nữa chỉ đơn thuần là một phản ứng. Ta đang buồn phiền vì nhiều lý do khác nhau, và sự thôi thúc muốn thoát khỏi nỗi buồn được sinh ra từ nỗi đau. Ta buồn khổ, vì chồng, vì con, hoặc vì lý do khác, ta không thích tâm trạng đó của mình và muốn thoát khỏi nó. Khát vọng tự do đó là một phản ứng, nó không phải là tự do. Do đó phải thấu hiểu về phản ứng; và cũng phải thấu hiểu rằng tự do không có được nhờ bất kỳ nỗ lực của ý chí nào. Nếu ép những phản ứng của mình theo một khuôn mẫu cụ thể, dù là bên trái hoặc bên phải, hoặc nếu tuân theo một quy tắc ứng xử cụ thể, thì ta không thể khám phá những phản ứng của chính mình. Hãy thử nghiệm với nó và ta sẽ tìm thấy cái biết mỗi phản ứng khi nó phát khởi, thấy nó mà không cần lên án hay biện minh và sự chạy theo toàn bộ hàm ý của phản ứng ấy.
Với kết cấu mạch lạc và được viết bởi ngôn ngữ súc tích, ấn phẩm Krishnamurti Nói Về Tự Do sẽ cho thấy có rất nhiều tầng ý nghĩa khác nhau về Tự do, từ thô, tế đến vi tế; rằng Tự do không phải là kết quả của khát vọng tự do; rằng yêu thương những sự vật vì chính bản thân nó chính là khởi đầu của tự do…