1. Giới thiệu về Vũ Trụ Trong Hạt Bụi.
Từ “Vũ trụ” hay “Kosmos” trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là trật tự, hài hòa. Hy Lạp là cái nôi của nền văn minh Tây phương cho đến hiện đại. Vũ trụ về mặt vĩ mô là các hành tinh, các ngôi sao, cho đến các thiên hà, về mặt vi mô là thế giới của các nguyên tử và các hạt hạ nguyên tử. Tất cả chúng đều hiện hữu trật tự và hài hòa với nhau.
Với Đông phương cũng có những quan niệm xưa cổ về vũ trụ, trong văn hóa Ấn Độ và Trung Hoa. Nhưng nói về vũ trụ rộng nhất và sâu nhất là Kinh Hoa Nghiêm, được xem là kinh cao nhất của Phật giáo, được nói ngay sau khi Đức Phật giác ngộ.
Kinh Hoa Nghiêm cũng nói vũ trụ ở mặt vĩ mô: những thế giới hải, những thế giới úp, những thế giới ngửa, những thế giới hình như hoa xoắn tròn, những thế giới hình hoa sen…về mặt vi mô, kinh nói “lỗ chân lông, vi trần (hạt bụi nhỏ), sát na (phần nhỏ nhất của một khoảnh khắc)… Và tất cả những cái đó hoàn toàn trật tự, hài hòa với nhau để tạo thành vũ trụ.
Nhưng trật tự hài hòa của vũ trụ Hoa Nghiêm còn sâu sắc hơn nữa, mở rộng hơn nữa, đến gần như vô tận. Một sự vật không chỉ trật tự hài hòa với tất cả các sự vật khác mà còn bao gồm tất cả các sự vật khác (nhiếp) và thâm nhập tất cả các sự vật khác (nhập). Điều này chỉ có thể xảy ra khi tất cả đều “vô ngại” với nhau, và vô ngại bởi vì đều là tánh Không. Như thế cho đến cảnh giới rốt ráo là “sự sự vô ngại” và “trùng trùng duyên khởi, trùng trùng vô tận”.
Để đạt đến sự thật “sự sự vô ngại”, người ta phải thấy trực tiếp, chứng kiến trực tiếp, qua thí nghiệm trực tiếp, như khoa học. Phòng thí nghiệm, dụng cụ khoa học của chúng ta chính là thân tâm mình. Chính nơi phòng thí nghiệm thân tâm mình mà người ta tìm ra, nhìn thấy sự thực “sự sự vô ngại” của vũ trụ. Thế nên người xưa thường dùng chữ “thân chứng”, đích thân chứng nghiệm. Phật giáo có rất nhiều dụng cụ phương tiện cho việc này, tất cả nằm trong những khả năng sẵn có – chỉ cần mài giũa, làm tinh xảo thêm – của con người. Đó là sức tập trung (Chỉ, Định), khả năng quan sát, tưởng tượng sắc bén (Quán), những hoạt động tương ứng với sự thật (Hạnh), sự tha thiết mong cầu (Nguyện), lòng vị tha muốn ích lợi cho người khác (từ bi)…
2. Giới thiệu về Đi Vào Thực Tại
Tất cả những gì tinh tuý nhất từ trí tuệ của Eckhart Tolle đều được chứa đựng trong tác phẩm này, “Đi vào Thực tại”, một tác phẩm vô cùng đặc biệt, một cuốn sách được hiển bày rất gần với lố vô ngôn. Hơn cả một cuốn sách,
Tác phẩm này là một thiền thư, nhưng không hề hướng dẫn bạn phải thiền như thế nào mà giúp bạn nhận ra thế nào là thiền!
Tác phẩm này giúp bạn trực nhận ra mình không tách rời khỏi tổng thể. Bạn là một với mặt trăng, mặt trời, không khí. Bạn không có một cuộc sống, mà bạn chính là sự sống. Một sự sống duy nhất, một nhận thức duy nhất, biểu hiện dưới hình hài một con người, một ngọn cỏ, một chú chó, một hành tinh, một mặt trời, một thiên hà…
Cùng một cuốn sách nhưng khi đến với mỗi bạn đọc khác nhau thì cách đọc có thể cũng khác nhau. Với "Đi vào thực tại", một cuốn sách đẹp và chứa đựng thông điệp sâu sắc, chúng tôi có gợi ý rằng với những ai đã từng biết đến Eckhart Tolle hay từng thực hành và tìm hiểu về một truyền thống tâm linh hay tinh thần nào đó thì có thể đọc cuốn sách từ đầu đến cuối, tùy vào sự hứng thú của bạn. Tuy nhiên với những người chưa từng có những trải nghiệm trên thì chỉ nên xem 2-4 trang sách và tranh mỗi ngày, suy ngẫm về nội dung chia sẻ trong những trang sách đó, cứ thế cho đến khi hết cuốn sách, như vậy thì bạn có thể thẩm thấu được một cách tốt nhất thông điệp sâu sắc từ cuốn sách. Thêm nữa, bất kể lúc nào bạn cảm thấy chộn rộn trong lòng, có những lắng lo cần giải tỏa, bạn có thể mở bất kì trang sách nào và đọc, chúng tôi tin, bạn sẽ thấy mình được xoa dịu rất nhiều, và tất nhiên, có thể nhờ vậy mà bạn sẽ tìm ra được hướng đi hay giải pháp cho vấn đề của mình lúc đó.