1. Giới thiệu về cuốn sách "Vũ Trụ Trong Hạt Bụi":
Từ “Vũ trụ” hay “Kosmos” trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là trật tự, hài hòa. Hy Lạp là cái nôi của nền văn minh Tây phương cho đến hiện đại. Vũ trụ về mặt vĩ mô là các hành tinh, các ngôi sao, cho đến các thiên hà, về mặt vi mô là thế giới của các nguyên tử và các hạt hạ nguyên tử. Tất cả chúng đều hiện hữu trật tự và hài hòa với nhau.
Với Đông phương cũng có những quan niệm xưa cổ về vũ trụ, trong văn hóa Ấn Độ và Trung Hoa. Nhưng nói về vũ trụ rộng nhất và sâu nhất là Kinh Hoa Nghiêm, được xem là kinh cao nhất của Phật giáo, được nói ngay sau khi Đức Phật giác ngộ.
Kinh Hoa Nghiêm cũng nói vũ trụ ở mặt vĩ mô: những thế giới hải, những thế giới úp, những thế giới ngửa, những thế giới hình như hoa xoắn tròn, những thế giới hình hoa sen…về mặt vi mô, kinh nói “lỗ chân lông, vi trần (hạt bụi nhỏ), sát na (phần nhỏ nhất của một khoảnh khắc)… Và tất cả những cái đó hoàn toàn trật tự, hài hòa với nhau để tạo thành vũ trụ.
Nhưng trật tự hài hòa của vũ trụ Hoa Nghiêm còn sâu sắc hơn nữa, mở rộng hơn nữa, đến gần như vô tận. Một sự vật không chỉ trật tự hài hòa với tất cả các sự vật khác mà còn bao gồm tất cả các sự vật khác (nhiếp) và thâm nhập tất cả các sự vật khác (nhập). Điều này chỉ có thể xảy ra khi tất cả đều “vô ngại” với nhau, và vô ngại bởi vì đều là tánh Không. Như thế cho đến cảnh giới rốt ráo là “sự sự vô ngại” và “trùng trùng duyên khởi, trùng trùng vô tận”.
Để đạt đến sự thật “sự sự vô ngại”, người ta phải thấy trực tiếp, chứng kiến trực tiếp, qua thí nghiệm trực tiếp, như khoa học. Phòng thí nghiệm, dụng cụ khoa học của chúng ta chính là thân tâm mình. Chính nơi phòng thí nghiệm thân tâm mình mà người ta tìm ra, nhìn thấy sự thực “sự sự vô ngại” của vũ trụ. Thế nên người xưa thường dùng chữ “thân chứng”, đích thân chứng nghiệm. Phật giáo có rất nhiều dụng cụ phương tiện cho việc này, tất cả nằm trong những khả năng sẵn có – chỉ cần mài giũa, làm tinh xảo thêm – của con người. Đó là sức tập trung (Chỉ, Định), khả năng quan sát, tưởng tượng sắc bén (Quán), những hoạt động tương ứng với sự thật (Hạnh), sự tha thiết mong cầu (Nguyện), lòng vị tha muốn ích lợi cho người khác (từ bi)…
Bởi vì cảnh giới sự sự vô ngại này ở khắp mọi không gian thời gian của vũ trụ, không nơi nào không có, không phút giây nào không hiện hữu, thế nên người ta có thể bắt gặp nó vào bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu. Rồi cứ thế đi sâu vào thực tại ấy như phẩm Nhập Pháp Giới của kinh diễn tả.
Bất cứ nơi nào, bất cứ lúc nào, cho nên người ta có thể bắt gặp Nó nơi một góc phố, nơi một chiếc lá nằm trên ghế đá công viên, nơi một đám mây lơ lửng trên thành phố chẳng ai để ý, nơi một âm thanh tình cờ buổi sáng, nơi khuôn mặt một người xa lạ, nơi một mảnh ngói bên lề đường, nơi một ngọn cỏ rung rinh theo gió…
Đó là điều kinh nói, “Một là Tất Cả, Tất Cả là Một”.
Nguyện mọi người được an vui và lợi ích khi đọc và thực hành theo luận này.
Về tác giả:
Đương Đạo Nguyễn Thế Đăng là một nhà tu, thuộc thế hệ thứ ba của Tổ Khai sơn chùa Tây Tạng ở Bình Dương là Thiền sư Nhẫn Tế (1888 – 1951). Tổ vốn thuộc dòng Lâm Tế đời thứ 40, từng sang Ấn Độ, Nepal và Tây Tạng tham bái và tu học. Tổ đã cầu đạo ở Tây Tạng, đắc pháp và được ban cho pháp danh Thubten Osel bởi những vị cao cấp của dòng Mũ Vàng (Gelugpa). Sau hơn một năm ở Tây Tạng, Tổ được phép trở về Việt Nam để lập chùa Tây Tạng, Bình Dương.
Nhiều năm qua, tác giả Nguyễn Thế Đăng đã viết hàng trăm bài đăng trên Văn Hóa Phật Giáo. Tuần san và Nguyệt san Giác Ngộ cũng đã đăng hàng chục bài của tác giả, chưa kể các báo điện tử như , thuvienhoasen, , , … mỗi báo cũng đã đăng hàng chục bài.
2. Giới thiệu về cuốn sách "Món Quà Của Cái Chết":
Cuộc sống của Hải Yến bị đảo lộn khi cô phát hiện ra người đàn ông trong trái tim mình, thầy giáo cấp 2 của cô, bị ung thư giai đoạn cuối. Những sự kiện bí ẩn xảy ra trước, trong và sau cái chết của ông khiến cô tiến hóa tâm linh mạnh mẽ, làm thức tỉnh sức mạnh vô tận của tình yêu vô điều kiện trong linh hồn cô, và giúp cô nhớ lại mối quan hệ tâm linh tri kỷ giữa họ.
Với lối viết giản dị, khúc chiết, cảm động mà đầy lôi cuốn, gợi mở, độc giả sẽ khó lòng dứt ra được khi đã cầm trên tay ấn phẩm“Món quà của cái chết”. Tình yêu tâm linh qua trải nghiệm của chính tác giả có thể sẽ giúp chữa lành cho những tổn thương tâm lý của chính chúng ta. Tác giả đã rất chân thành và dũng cảm khi viết về những trải nghiệm chân thực của mình. Trải qua rất nhiều chu kỳ từ nghi vấn đến tin tưởng, và những nghiên cứu miệt mài về bản chất của cái chết, Hải Yến đã quyết định đi theo tiếng gọi thứ hai của cuộc đời mình, trở thành người hỗ trợ sinh tử, giúp nâng đỡ và giải tỏa nỗi đau của những gia đình bị cái chết chia lìa với người thân yêu. Đó chính là điều tuyệt vời nhất!
Cuốn sách “Món quà của cái chết” là lời hứa của cô đến linh hồn người thương yêu, để chuyển hóa món quà của ông thành món quà mang lại sự chữa lành cho độc giả.
Về tác giả:
Hải Yến nhận học bổng Asean đi du học tại Singapore năm 18 tuổi và sau khi tốt nghiệp đại học cô đã làm việc tại Bộ Giáo dục Singapore. Những thành công trên con đường học vấn và công việc sớm chuyển sang sự dằn vặt nội tâm về giá trị của bản thân khi cô đối mặt với nguy cơ đổ vỡ hôn nhân sau khi sinh con đầu lòng. Cuộc hành trình tìm kiếm bản thân khiến cô nhận ra có một thế lực vô hình nào đó dẫn dắt cô đến những cuốn sách cần đọc và gặp những người cần gặp để tìm lời giải đáp cho mình.