Mệ là cách gọi của người Huế để chỉ người đã sinh ra ba mẹ mình (mệ nội, mệ ngoại) tương đương với ông bà nội ngoại ở các vùng khác. Mệ hay Mụ còn là tên gọi nhằm chỉ những quý bà ngang tầm tuổi với ông bà mình. Gọi là Mụ trong quan niệm người Huế xưa không hề mang ý nghĩa xúc phạm hay khinh khi, mà xem họ là chị em hay đồng trang lứa với ông bà mình. Theo thời gian, “Các Mệ- các Mụ” là từ thông dụng để chỉ tầng lớp quý tộc Nguyễn, các hoàng thân cư trú trong nội, ngoại thành hoặc ở những phủ đệ quanh Huế.
Ở Huế, lưu truyền nhiều giai thoại về tầng lớp quý tộc Nguyễn, mà người ở đây gọi là “chuyện các Mệ”. Đó là những mẩu chuyện vui, ý nhị nhưng cũng đượm chất bi hài; phản ánh sự giằng co giữa danh phận và thực tế trong giai tầng quý tộc đương thời.
Vòng “nguyệt quế” mà lịch sử đã dành cho giới hoàng thân Nguyễn trải qua biết bao thăng trầm. Dù chế độ phong kiến không còn nữa, thì ảo ảnh và dư hương ấy vẫn không thể rời khỏi tư thế và nếp nghĩ của Mệ…
(Trích Lời dẫn chuyện)